Hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch: Chuyện tình yêu với nghề

Đăng lúc: Thứ hai - 05/12/2016 17:04 - Người đăng bài viết: lehoa
Chọn công việc khá đặc thù, với hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, để có thể làm tròn vai trò của mình, họ không chỉ cần thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm mà phải luôn giữ ngọn lửa đam mê và một tấm lòng thân thiện. Niềm tự hào và tình yêu đất nước cứ thế được nhân lên, được chuyển tải đến du khách khắp trong và ngoài nước qua những chuyến đồng hành khám phá đầy thú vị.
Ông Liễu trong một chuyến hướng dẫn khách nước ngoài

Ông Liễu trong một chuyến hướng dẫn khách nước ngoài

Ông Trương Liễu - Hướng dẫn viên du lịch quốc tế (tiếng Tây Ban Nha) Hạnh phúc được làm cầu nối để du khách thêm yêu quý vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.

Tôi trở thành hướng dẫn viên (HDV) du lịch khi đã hơn 55 tuổi, thuộc lớp người lớn tuổi từng được tham gia học tập, công tác ở nước ngoài, về hưu vẫn mê khám phá, muốn tiếp tục làm việc nên bén duyên nghề.Gần 12 năm làm HDV quốc tế tiếng Tây Ban Nha (2004-2016), tôi ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và trở thành người bạn đồng hành thân thiện với du khách quốc tế đến từ đất nước Tây Ban Nha và các nước khu vực Trung, Nam Mỹ. Địa bàn hoạt động của tôi là các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Nha Trang, Đà Lạt.

HDV tiếng Tây Ban Nha không nhiều, trong khi đó, khách du lịch đến từ các nước sử dụng ngôn ngữ này vừa nhiều về số lượng lại đa quốc gia, đa tính cách. Bởi vậy, đòi hỏi HDV trước hết phải từng bước tích lũy kiến thức để có thể am hiểu về tính cách, sở thích riêng của du khách mỗi quốc gia khác nhau. Sự am hiểu này sẽ giúp HDV cùng với các công ty lữ hành phục vụ khách du lịch với sự chuyên nghiệp và tinh tế cao nhất: từ chỗ chọn điểm đi, chỗ nghỉ, chọn thực đơn bữa ăn cho đến việc nói chuyện, giới thiệu, giúp họ có một chuyến trải nghiệm nhiều ý nghĩa.

Cùng với thông thạo ngoại ngữ; có kiến thức đầy đủ về mỗi điểm du lịch mà khách đến tham quan và chuyên nghiệp trong phục vụ du khách, điều quan trọng không kém là HDV du lịch quốc tế phải hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung.

Khách du lịch phương Tây thường hết sức quan tâm đến những nét đặc trưng trong phong tục, tập quán, cách ứng xử và ẩm thực của người Việt Nam. Bởi vậy, nếu HDV du lịch có cách tạo sức hút từ những câu chuyện đời sống của người Việt Nam, khách sẽ rất thích thú. Cùng với đó, du khách nước ngoài cũng nghe mãi không chán về lịch sử đất nước Việt Nam, nhất là về các triều đại vua chúa, về những cuộc chiến tranh bảo vệ bờ cõi của cha ông xưa cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những HDV du lịch cao tuổi chúng tôi thật hạnh phúc khi được làm cầu nối để du khách nước ngoài càng thêm yêu quý, say mê vẻ đẹp của đất nước chúng ta.

Thuyết minh viên Trần Thị Vinh - Ban Quản lý Khu lưu niệm Nguyễn Du: Phải chuyên nghiệp từ phong cách ứng xử, giao tiếp.

Năm 2000, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, chuyên ngành Anh văn, tôi về nhận việc tại Khu lưu niệm Nguyễn Du. Là một người “ngoại đạo”, không được đào tạo về nghiệp vụ văn hóa, du lịch, thuyết minh, tôi bắt đầu mày mò, tìm hiểu, nghe các đồng nghiệp nói, rồi bắt đầu viết bài thuyết minh cho riêng mình và học thuộc lòng để giới thiệu cho du khách.

Thuyết minh viên Trần Thị Vinh

 

Đoàn khách đầu tiên, thứ hai, thứ ba... và rất nhiều đoàn khách khác, tôi vẫn cứ giới thiệu đúng một bài thuyết minh mà mình đã viết sẵn. Hầu hết các thuyết minh viên (TMV) trên địa bàn Hà Tĩnh đều như vậy. Tôi tự thấy, nếu không thay đổi sẽ làm du khách nhàm chán và điều đáng sợ hơn là cảm thấy chán chính bản thân mình. Tôi bắt đầu thay đổi mình, thay đổi phong cách, nội dung thuyết minh, nhiệt tình, luôn nở nụ cười, tạo ấn tượng tốt đối với khách. Bên cạnh đó là biết cách nắm bắt tâm lý, thời gian lưu trú của đoàn tại di tích, nhu cầu tìm hiểu... Phân loại được đối tượng khách thì mình sẽ đạt kết quả cao nhất và để lại ấn tượng tốt đẹp nhất trong lòng du khách.

Đối với khách là các nhà nghiên cứu, đòi hỏi TMV phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu không chỉ về di tích mà phải về kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo, lịch sử văn hóa của vùng miền và xuyên suốt cả thời đại để trả lời được những câu hỏi của du khách. Khách là các nhà thơ, nhà văn, bên cạnh yêu cầu nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ thì còn đòi hỏi TMV phải hiểu biết nhiều về lĩnh vực văn học. Khách là học sinh, sinh viên, đòi hỏi phải giỏi về phương pháp sư phạm để khuyến khích niềm hứng thú của các em. Đối với khách quốc tế, điều quan trọng nhất là phải biết được phong tục, tập quán, quan điểm của họ để tránh những cử chỉ, hành động, lời nói làm phật lòng khách và phải giỏi về ngoại ngữ để chuyển tải những giá trị văn hóa đặc sắc của di tích tới họ. Tùy thuộc vào từng đối tượng khách, TMV sẽ truyền tải những nội dung nào phù hợp nhất mà du khách muốn tìm hiểu.

Sau 16 năm theo nghề, với bao buồn vui, trăn trở; những tìm tòi, học hỏi; những thử nghiệm, đổi mới, tôi rút ra bài học cho mình đó là muốn trở thành một TMV giỏi thì phải chuyên nghiệp về cả phong cách ứng xử, giao tiếp, trình độ kiến thức phải sâu rộng, luôn tự nâng mình lên, làm mới mình và phải yêu nghề.

Thuyết minh viên Đào Anh Tuân - Phó BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc: Tôi đã nói bằng tất cả trái tim mình.

Tốt nghiệp Đại học Văn hóa vừa dịp Tỉnh đoàn thành lập BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tôi được điều về làm kế toán ở đây. 2 năm làm kế toán nhưng niềm đam mê được làm TMV vẫn âm thầm trong tôi. Thế là tôi tập làm công tác thuyết minh, hướng dẫn du khách về tham quan Ngã ba Đồng Lộc. Hiểu được năng khiếu của bản thân cộng với niềm đam mê nghề nghiệp, tôi quyết định xin thôi làm kế toán, chuyển hẳn sang nghề TMV.
 

Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Được làm nhịp cầu nối cho các du khách mọi miền,
nhất là thế hệ trẻ sống trong hào khí cuộc chiến của quân dân ta ở Đồng Lộc.

 

Được làm nhịp cầu nối cho các du khách mọi miền, nhất là thế hệ trẻ sống trong hào khí cuộc chiến của quân dân ta ở Đồng Lộc, tôi vui lắm, thích lắm, cảm thấy mình đã làm được những việc có ích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Niềm vui xen lẫn niềm tự hào. Và tôi đã nói bằng tất cả trái tim mình về những gì đã diễn ra tại chiến trường Đồng Lộc. Mỗi giọt nước mắt của du khách vì cảm phục, xúc động; mỗi cử chỉ tri ân của họ với các anh hùng liệt sỹ sau khi nghe lời thuyết minh chính là thành công của TMV.

Một du khách khi về Đồng Lộc đã làm bài thơ tặng tôi và các TMV ở đây, trong đó có những câu: Viếng thăm Đồng Lộc chiều nay/ Lặng nghe em kể, cách rày 48 năm/ Em như tỏa ánh trăng rằm/ Bình minh thức dậy, con tằm ra tơ/ Khi cao như sóng xô bờ/ Xuống trầm lắng lại như chờ đợi ai/ Lúc dồn dập, lúc khoan thai/ Đàn cầm dìu dặt vọng ngoài sơn khê.

Cũng có bạn nữ thanh niên dành cho tôi những lời khen, đại ý: Anh đã dùng lời nói để đúc lên những bức tượng vô hình suốt dọc con đường em đi. Vì thế, tôi càng phải tự học hỏi trau dồi nghề nghiệp, để ý đến thái độ, cảm xúc, lời góp ý của du khách, đọc nhiều tài liệu, sách báo, gặp gỡ các nhân chứng để làm phong phú thêm bài thuyết minh của mình.

 


Nguồn tin: baohatinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
long - Đăng lúc: 15/04/2023 19:58
CHỬI hội an
Avata
long - Đăng lúc: 15/04/2023 19:51
an toàn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 417
  • Tổng lượt truy cập: 56007261