Hà Tĩnh phát triển du lịch từ ẩm thực vùng miền

Đăng lúc: Thứ hai - 12/12/2016 16:22 - Người đăng bài viết: lehoa
Mùa xuân, mùa cây ra lộc, cũng là lúc người dân miền núi Hương Sơn chuẩn bị cho mùa cắt lộc nhung hươu. Nhung hươu ở các vùng trong huyện đều có, nhưng theo kinh nghiệm của người tiêu dùng thì nhung Sơn Thủy, Sơn Giang, Sơn Tân là ngon nhất vì các vùng này nằm bên hạ nguồn sông Ngàn Phố, phù sa nhiều nên các loài cây làm thức ăn cho hươu ngon và phong phú.
Nghề nuôi hươu lấy lộc mang lại thu nhập cao cho người dân Hương Sơn

Nghề nuôi hươu lấy lộc mang lại thu nhập cao cho người dân Hương Sơn

Mùa cắt lộc là mùa thu nhập của các gia đình nhưng cũng là thú vui của nhiều du khách. Thời kỳ hiện đại, chỉ cần ít cuộc điện thoại với “mối” quen thân là một nhóm du khách có thể vừa mua được sản phẩm nhung hươu tốt mà còn được trải nghiệm cách cắt lộc, thưởng thức bữa rượu huyết hươu cùng các món ăn dân dã miền núi.

Nhà báo Tạ Việt Anh hiện công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam mỗi lần nhắc đến Hà Tĩnh lại sôi nổi kể về chuyến đi cắt lộc nhung hươu cách đây 7 năm cùng các đồng nghiệp.

Khi được giới thiệu về thú vui này, nhà báo Trương Văn Chuyển, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ bày tỏ mong ước có ngày được về Hương Sơn tham gia chuyến cắt lộc và mua nhung.

Nhung hươu được Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh dùng để sản xuất các loại rượu, cao. Đặc biệt, các loại viên thực phẩm chức năng Cuhaminne, Cuhamine Gold được chiết xuất từ nhung hươu hiện rất được người dùng ưa chuộng. Đây cũng là sản phẩm du lịch vùng miền.

Ngoài ra, ở miền núi còn có nhiều đặc sản khác có thể mời gọi du khách như dê, gà đồi Sơn Tiến, cá mát, nhút mít, cam, quýt Khe Mây, bưởi Phúc Trạch (Hương Khê), cam bù Hương Sơn, cam Đức Bồng (Vũ Quang), Thượng Lộc (Can Lộc). Các sản phẩm lợn rừng, thỏ, chuột núi (dúi), mang, mật ong rừng… có ở nhiều vùng miền núi.

Con cá mát đã từng đi vào nhạc phẩm “Ơi con sông Ngàn Phố” của Trần Hoàn cũng như cà Xứ Nghệ, nước chè xanh Xứ Nghệ đã đi vào bài thơ “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận.

Nói về vùng non nước Tam Soa - Linh Cảm và con sông La chảy trong thơ nhạc, ai cũng muốn về Đức Thọ một lần. Thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi sông, thăm viếng mộ Tổng Bí thư Trần Phú, làng khoa bảng Đông Thái, nhiều người còn muốn thưởng thức các mon ngon ở đây và mang về làm quà cho người thân như bánh gai, hến chợ Thượng, bún bò Đò Trai, dê Trường Sơn… Hiện nhiều khách sạn của Tập đoàn Phú Tài Đức đã sử dụng bún Đức Thọ để làm món ẩm thực bữa sáng cho du khách và được nhiều người ưa thích.

Cuối con sông La, trên vùng đất Nghi Xuân có đặc sản rươi Xuân Hồng với nhiều cách chế biến: ruốc rươi, chả rươi, ăn một lần là nhớ mãi.
 

Chả rươi có mùi vị lạ kỳ khiến bất kỳ ai đã tiếp xúc đều rất khó cưỡng lại

Ngày tết, mỗi chai ruốc rươi ở đây phải nhờ người thân đặt mua trước mới có và dù giá khá cao, người ta vẫn ưa dùng. Còn gì thú vị hơn sau khi về thăm Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, ngược ra phía bờ sông, vào một quán nhỏ để thưởng thức các món ăn từ rươi được làm từ bàn tay tảo tần, thức khuya, dậy sớm của người nông dân.

Ở Hà Tĩnh, dẫu “quê hương” của kẹo cu-đơ là ở Hương Sơn nhưng vùng cầu Phủ, thuộc địa bàn 2 phường Đại Nài - Hà Huy Tập hiện là “xứ sở” của loại kẹo này. Ngon nhất, nổi tiếng nhất vẫn là cu-đơ Thư Viện với độ dẻo thơm của mật, của gừng quyện mùi béo thơm của lạc rang vừa đủ và vị giòn tan của bánh đa. Hiện nay, nhiều thương hiệu cu-đơ mới cũng được người tiêu dùng ưa thích như Phong Nga, Ông Lung… Du khách mỗi lần từ Thiên Cầm trở ra hay sau các chuyến đi từ các vùng miền trở về, nhiều người mong muốn có được chút quà cầm tay là những tấm cu-đơ Cầu Phủ thơm ngon. Cũng có nhiều người trên lộ trình Bắc - Nam ghé lại vì muốn có thêm chút hương vị Hà Tĩnh cho chuyến đi thêm phần thú vị.

 



"Chè xanh thêm chút gừng cay/Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người".

Đặc sản biển Hà Tĩnh cũng khá phong phú và ghi dấu sâu đậm trong lòng du khách. Mực nháy Vũng Áng, mực khô, mực một nắng Cẩm Nhượng, cá thu Nghi Xuân, nước mắm Thạch Kim, cu kỳ Kỳ Xuân, các loại cá vùng đầm bãi, cua ở vùng Hộ Độ (Lộc Hà), các loài nhuyễn thể như sò, vẹm, hến, ngao, các loài ghẹ, ốc… ở hầu hết các vùng biển Hà Tĩnh từng là địa chỉ mời gọi du khách. Tiếc là, do ảnh hưởng của sự cố môi trường, một số loài hải sản đến nay vẫn chưa thể sử dụng làm thực phẩm được, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch, nhất là mực nháy Vũng Áng - thú vui ẩm thực của du khách một thời. Hiện nay, biển đã sạch, nhiều loại hải sản tầng nổi đã ăn được. Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực khắc phục sự cố, kiểm soát xả thải của Formosa. Tin rằng, với bờ biển đẹp, hải sản phong phú, nước biển trong lành, một ngày không xa, du lịch biển Hà Tĩnh sẽ trở lại tấp nập như trước.

Để phát triển du lịch từ ẩm thực vùng miền Hà Tĩnh, rất cần một chiến lược quảng bá, giới thiệu của ngành VH-TT&DL. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, ngành công thương cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm như cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch, hươu Hương Sơn, nước mắm Nhượng Bạn… Có như vậy thì du lịch Hà Tĩnh mới mời gọi được du khách gần xa nhiều hơn.
 

Nguồn tin: baohatinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 524
  • Tổng lượt truy cập: 30407163