Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Bước ngoặt lịch sử

Đăng lúc: Thứ hai - 20/02/2017 10:39 - Người đăng bài viết: lehoa
Đầu năm 2017, ngành VHTTDL đón nhận tin vui khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây được xem là bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch.
Năm 2016- ngành Du lịch đón vị khách thứ 10 triệu. Nguồn: ndl.com.vn

Năm 2016- ngành Du lịch đón vị khách thứ 10 triệu. Nguồn: ndl.com.vn

Trở lại bối cảnh kinh tế thế giới năm qua, khi kinh tế thế giới còn ảm đạm, kinh tế trong nước còn gặp khó khăn, du lịch là một trong ít ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Lần đầu tiên, du lịch Việt Nam cán mốc 10 triệu khách quốc tế, đạt 02 kỷ lục từ trước đến nay. Đó là tổng lượng khách quốc tế trong một năm nhiều nhất (10 triệu lượt) và mức tăng tuyệt đối trong năm cao nhất (tăng trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015). 

Năm 2016, ngành Du lịch phục vụ 62 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng (18 tỷ USD), về đích trước 4 năm so với mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đề ra. Đây thực sự là dấu mốc quan trọng khẳng định những đóng góp của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2016 cũng đánh dấu lần đầu tiên từ khi thành lập ngành Du lịch, Thủ tướng Chính phủ triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển du lịch. Trong đó, một số nhiệm vụ cụ thể, được ưu tiên tập trung giải quyết trước nhất là thủ tục nhập cảnh, phát triển hạ tầng giao thông, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Nhìn lại quá trình 15 năm  qua, ngành du lịch đã có bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lich nội địa đạt 11,8%/năm. Qua đó, đóng góp vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống  nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.  

 
Du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nguồn ảnh: thanhnienviet.vn
Với việc thông qua Nghị quyết số 08/NQ/TW với mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp; Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác… đã đánh dấu kỷ nguyên mới của ngành Du lịch khi du lịch nhận được sự quan tâm, sâu xát của Trung ương Đảng, Chính phủ, các cấp các ngành và toàn xã hội.
 
Hệ thống các giải pháp như: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tê thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch hứa hẹn sẽ hạn chế những yếu kém trầm kha của ngành trong nhiều năm qua như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; Sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn, khác biệt; Chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; Hiệu lực và hiệu quả nhà nước về du lịch chưa cao; Môi trường du lịch còn nhiều bất cập; Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…
 
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng Du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng “một số hạn chế nằm ngay trong nội tại ngành Du lịch nhưng cũng có nhiều khó khăn, hạn chế từ các yếu tố khách quan. Chúng ta mới chỉ đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đối với ngành Du lịch mà chưa đặt ra câu hỏi ở chiều ngược lại, chúng ta có những cơ chế, chính sách gì, nguồn lực đầu tư như thế nào để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên nếu chúng ta biết được chính sách về visa, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí nguồn nhân lực được bố trí thực hiện quảng bá xúc tiến du lịch…của các nước trên thì chúng ta có thể hiểu được một phần tại sao họ đạt được những con số ấn tượng hơn chúng ta” – trích từ bài phát biểu của  Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp đón Xuân mới 2017. 
 

 
Việt Nam tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Nguồn: vietnamtourism.com
Ngay trong Quý I/2017, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời tổ chức các Hội nghị quán triệt về Nghị quyết tại các địa phương; Tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội ban hành; xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật; Đẩy mạnh Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú trên toàn quốc…
Bộ sẽ chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Hội nghị du lịch toàn quốc, nâng cao chất lượng hình ảnh của du lịch Việt Nam, chấn chỉnh các hiện tượng chặt chém, mất vệ sinh an toàn, việc khách không quay trở lại - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sáng 14/2.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL sẽ tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành. Tính đến tháng 1/2017, cả nước có 1.611 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 08 doanh nghiệp nhà nước, 530 doanh nghiệp cổ phần, 15 doanh nghiệp liên doanh, 1.111 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thành phố Barcelona và Madrid của Tây Ban Nha; Tham dự Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2017, Hội chợ Du lịch quốc tế Travex tại Singapore, Hội chơ du lịch quốc tế ITB (Đức) và MITT (Nga); tham dự phiên họp ASEAN NTOs+3 lần thứ 30 bàn về hợp tác du lịch giữa các cơ quan du lịch các nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; chủ trì họp báo quảng bá Du lịch Việt Nam với sự tham gia của hơn 60 cơ quan thông tấn báo chí quốc tế; làm việc với Ngân hàng thế giới về dự án tăng cường sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân trong phát triển du lịch; Xây dựng các nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch và Chương trình Xúc tiến Du lịch Quốc gia năm 2017; Chuẩn bị nội dung Hội thảo về du lịch bền vững tại Nha Trang…

Với sự quan tâm của đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành VHTTDL, với sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta có quyền hy vọng, tin tưởng sẽ thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết số 08/NQ/TW, từng bước đưa Viêt Nam nằm trong top các quốc gia có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á./.
 
Tác giả bài viết: Gia Linh
Nguồn tin: cinet.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 435
  • Tổng lượt truy cập: 30404647