Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lễ chùa

Đăng lúc: Thứ hai - 13/02/2017 09:25 - Người đăng bài viết: lehoa
Đi lễ chùa, dâng hương, cầu an, cầu tài, cầu lộc đầu năm tại các khu, điểm du lịch tâm linh như đền, chùa, miếu là nét đẹp truyền thống trong hoạt động tín ngưỡng văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, hoạt động lễ chùa tại một số điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn bị biến tướng, lệch lạc.
Cảnh chen nhau hành lễ tại đền Củi, Nghi Xuân.

Cảnh chen nhau hành lễ tại đền Củi, Nghi Xuân.

Đầu xuân mới, đi du xuân, lễ chùa, được đắm mình trong những cung bậc thanh âm chốn cửa thiền có thể giúp mỗi người trút bỏ lo toan của đời thường để khởi đầu năm mới với những mong ước tốt đẹp. Bởi vậy, hàng năm vào dịp lễ, tết, lượng khách đến các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn Hà Tĩnh thường tăng đột biến. Theo thống kê của ngành văn hóa, từ ra tết lại nay, có gần 60 vạn lượt du khách đến các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những người đến chùa lễ Phật giữ được nét văn hóa thì vẫn còn hiện tượng thiếu ý thức trong hành lễ, nhiều hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục, trái với bản sắc văn hóa truyền thống, gây mất mỹ quan. Đâu đó trong cộng đồng còn có những quan niệm, ý thức lệch lạc, ứng xử trái ngược với thuần phong mỹ tục trong sinh hoạt tín ngưỡng.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng cho biết: Thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của tỉnh, trước tết Nguyên đán 2017, sở đã chỉ đạo các địa phương, khu, điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện để người dân du xuân, lễ chùa, phù hợp với thuần phong mỹ tục văn hóa Việt. Tuy nhiên, hoạt động lễ chùa tại một số điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn còn bị biến tướng”.

Có mặt tại đền Chợ Củi (Xuân Hồng, Nghi Xuân) trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng người dân chen lấn hành lễ, tranh nhau mời chào viết sớ, buôn bán vàng mã, đổi tiền lộn xộn... Một số lư hương ngoài trời bùng cháy do người dân thắp hương quá nhiều, trong khi đó, người hành lễ còn cho đó là điềm lành được phần âm ghi nhận, chứng giám lòng thành.

Đến dâng hương tại đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) ngày mùng 5 tết Đinh Dậu, anh Trần Sông Hồng (quê Hà Tĩnh, công tác ở Hải Phòng) chia sẻ: “Gia đình tôi đến đây từ sáng, đợi đến chiều tối vẫn không thể chen chân để thắp cho “bề trên” một nén hương đầu xuân do người hành lễ quá đông. Không gian cửa đền chật chội, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy lộn xộn càng thêm phản cảm. Khi ý thức ứng xử của mình chưa đúng nghĩa, sao có thể cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với gia đình trong năm mới”.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh, một du khách đến từ Thanh Hóa: “Năm nào cũng vậy, đầu năm mới, gia đình tôi thường vào Hà Tĩnh đi lễ chùa Hương, đền Chợ Củi để cầu phúc, lộc, bình an. Tuy nhiên, qua chuyến du xuân, lễ chùa đầu năm nơi chốn thiền tịnh, tôi thấy nhiều du khách chưa quan tâm đến cách ăn mặc trong hành lễ. Không ít phụ nữ, nam thanh, nữ tú vẫn “hồn nhiên” mặc váy ngắn, quần cộc đi lễ, vào điện thắp hương, khấn vái. Không ít bạn trẻ còn vô tư cười nói thoải mái bên cạnh những người đang trang nghiêm làm lễ”.

Dịp khai lễ chùa Hương Tích xuân Đinh Dậu 2017, chúng tôi đã có dịp nghe Đại đức Thích Quảng Nguyên - Ban Trị sự Phật giáo Hà Tĩnh, trụ trì tại chùa Hương Tích trao đổi: “Theo quan niệm Phật giáo, việc đi lễ chùa đầu năm là tự tâm hướng thiện, từ - bi - hỉ - xả, không phải cứ lễ vật thịnh soạn mới là lòng thành. Ngay cả lời khấn cầu an, xin lộc cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ”. Thiết nghĩ, mỗi người khi đi lễ chùa cần hành lễ đúng nghĩa, có ý thức cộng đồng nhằm góp phần giữ gìn, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ Hồng Lam xưa và nay.

 
Tác giả bài viết: Quang Sáng
Nguồn tin: baohatinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 505
  • Tổng lượt truy cập: 30390668