Du lịch biển Hà Tĩnh: Du khách tăng, thắp lên hy vọng!

Đăng lúc: Thứ ba - 07/06/2016 08:24 - Người đăng bài viết: lehoa
Mùa du lịch biển thông thường bắt đầu từ tháng 4, nhưng năm nay, do sự cố hải sản chết tại vùng biển Vũng Áng nên đến thời điểm này, các điểm du lịch biển mới bắt đầu vào mùa. Dẫu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các khu vực bãi biển phải chịu rất nhiều tác động xấu nhưng gần đây, du khách đến với bãi biển tăng dần đã thắp lên phần nào hy vọng.
Lượng khách đến tắm biển Thạch Bằng tăng mạnh so với đầu mùa.

Lượng khách đến tắm biển Thạch Bằng tăng mạnh so với đầu mùa.

Tín hiệu vui từ bãi biển Thạch Bằng

Bãi biển Thạch Bằng (Lộc Hà) ngày cuối tuần. Du khách khá đông, những điểm kinh doanh bắt đầu tấp nập trở lại. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Huệ cho hay: Năm nay được ví như “địa chấn” đối với du lịch biển. Bình thường, các năm khác, mỗi mùa, biển Lộc Hà đón gần 200.000 lượt khách, năm nay, ước tính chỉ khoảng 50.000 lượt; các nhà hàng kinh doanh hải sản, mỗi ngày phục vụ khoảng 300-500 bàn ăn thì nay giảm hơn 1/3. Nhưng gần đây, nhất là những ngày nắng nóng, khách đến với bãi biển đã tăng dần.

Ngoài khách nội tỉnh, còn có khách ở nhiều tỉnh phía Bắc, bình quân khoảng 3.000 lượt/ngày. Các điểm kinh doanh, nhất là kinh doanh trên bờ kè (nơi du khách nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm biển và sử dụng các thức uống thông thường) đã sôi động trở lại. “Tại đây chưa có tổ chức, cá nhân kinh doanh hải sản chuyển đổi sang các loại thực phẩm khác. Họ vẫn tin tưởng, chờ đợi để khai thác tốt phần còn lại của mùa du lịch biển. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cũng đã đầu tư khai thác trên khu du lịch rộng 400 ha theo quy hoạch” - ông Huệ cho hay.

Cùng với du lịch, thời gian qua, việc thu mua hải sản ở Lộc Hà đã có những tín hiệu tốt. Từ ngày xảy ra sự cố thủy, hải sản chết đến nay, 17 cơ sở cung cấp hải sản có nguồn gốc trên toàn huyện đã thu mua 30 tấn cá, 20 tấn mực; bán ra hơn 420 tấn cá, mực trên tổng số 1.400 tấn (gồm số lượng dự trữ từ trước ngày 6/4). Theo tìm hiểu, để có kết quả trên, ngoài thực hiện tốt các chính sách của trung ương, tỉnh như hỗ trợ gạo, tiền, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc tuyên truyền thường xuyên, huyện đã phối hợp thực hiện quan trắc môi trường, xét nghiệm các mẫu hải sải, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành 2 điểm bán hải sản sạch ở chợ Phủ (Thạch Châu) và chợ Trại (Hộ Độ); vận động cán bộ, công chức đi đầu trong tiêu thụ hải sản, trong đó, Liên đoàn Lao động huyện đã ban hành chương trình kêu gọi đoàn viên mua hải sản ở các điểm bán an toàn; đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác.

 


Một góc phố biển Thiên Cầm.
Biển Thiên Cầm - nỗi niềm trăn trở
 
Là bãi biển đẹp và quen thuộc với du khách gần xa nhưng mùa du lịch này, với biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) là một mùa thất bại. “Nếu như năm 2015, Thiên Cầm đón hơn 110.000 lượt khách, trong đó, đến đầu tháng 6 đã có tới 90% khách đến; các khách sạn, nhà nghỉ chật kín phòng, bình quân chỉ riêng tiêu thụ hải sản đã mang về gần 700 triệu đồng mỗi cơ sở, thì nay, bình quân chỉ trên 10 triệu đồng. Đến nay, tiền hàng dự trữ của các khách sạn, nhà hàng vẫn còn hàng trăm triệu đồng, các quán ăn dọc bờ biển khoảng trên 50 triệu đồng; nhiều quán ăn chỉ bán được khoảng 10 kg mực”, ông Hoàng Xuân Hướng - Trưởng BQL Khu du lịch Thiên Cầm cho biết.

Điều đáng nói là để chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay, nhiều cơ sở kinh doanh đã đầu tư hàng chục, thậm chí, hàng trăm triệu đồng, một số nhà hàng lên tới trên 1 tỷ đồng như Lê Huyền, Ven Biển…, song sự ế ẩm của mặt hàng hải sản đã làm nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều nhà hàng đã chuyển sang kinh doanh một số thực phẩm khác như dê, bò, tuy nhiên, thực khách vẫn chưa quen với việc “ăn đồ rừng tại biển” nên không bán được. Mặc dù thời gian gần đây, khách đông hơn, trong đó có các đoàn khách ở Hà Nội, Bắc Giang… nhưng nhìn chung, không khí sôi nổi như các năm là chưa thể có được” - ông Hướng cho hay.
 


Nhiều đoàn khách du lịch ngoại tỉnh đã đến biển Thiên Cầm

Trước tình trạng khó khăn trên, Trưởng BQL Khu du lịch Thiên Cầm Hoàng Xuân Hướng đề nghị: cần có giải pháp tiêu thụ hải sản dự trữ từ đầu mùa cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch; có chính sách “khoanh vùng nợ” cho các hộ kinh doanh như đối với những người đi biển; giảm thuế cho các nhà hàng; đồng thời, thu hút các hoạt động sự kiện tổ chức tại khu du lịch, tạo không khí sôi nổi, động viên các tổ chức, cá nhân.
 

Đối với BQL Khu du lịch, ông Hướng cho biết, ngoài việc kết nối với Hiệp hội Du lịch, đã chỉ đạo các nhà nghỉ, khách sạn giảm giá phòng; đồng thời, kết nối các điểm du lịch tâm linh như chùa Cầm Sơn, An Lạc… để thu hút du khách.
 

Nắng nóng tiếp tục diễn ra, đó cũng là lúc các bãi biển sẽ thu hút nhiều du khách. Việc du khách tắm biển ngày càng đông cho thấy môi trường biển an toàn đối với sức khỏe. Với tín hiệu đó, tin rằng, thời gian còn lại của mùa du lịch biển 2016 sẽ tiếp tục thu hút nhiều du khách. Về phía cộng đồng, thiết nghĩ, với tinh thần chia sẻ và trách nhiệm xã hội, hy vọng nhiều tổ chức, cá nhân sẽ đến với các bãi biển để cùng nhau vượt qua thời khắc khó khăn không của riêng ai này.

 

 


Nguồn tin: baohatinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 423
  • Tổng lượt truy cập: 55527842