Am Tháp - Di tích kiến trúc cổ độc đáo

Đăng lúc: Thứ ba - 13/08/2019 15:10 - Người đăng bài viết: lehoa
Am Tháp còn gọi là Tháp Cẩm Duệ, là một ngôi tháp cổ thuộc địa phận xã Hoa Duệ, tổng Mỹ Duệ cũ, nay là xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo, cầu kỳ, hiếm có còn sót lại trên địa bàn Hà Tĩnh.

Toàn cảnh di tích
 
Am Tháp xây dựng để thờ Lê Am - một vị quan có nhiều công lao phục vụ triều đình, được Lê Lợi ban đặc ân chọn sinh phần (chọn đất an táng khi còn sống).
 
Lê Am là con ruột của cụ Hồ Tiết Tăng - người đã góp phần đắc lực cho cuộc kháng chiến chống quân Minh dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đi đến thắng lợi hoàn toàn. Sau sự kiện Hồ Quý Ly bị bắt ở Thiên Cầm, Hồ Tiết Tăng đã đổi thành họ Lê, từ Kỳ La chuyển đến sống ở vùng đá bạc Kẻ Gỗ làm nghề trồng chè và nuôi bò trên núi. Khi đã 60 tuổi, vợ chồng ông vẫn chưa có con để nối dõi tông đường. Chuyện kể rằng lúc bấy giờ có 5 người Tàu(Trung Quốc) đến tá túc tại nhà ông bà trong vòng hai năm, được sự giúp đỡ của ông bà, năm người họ trước khi ra về đã yểm bùa, chọn long mạch để gia đình ông bà phát về đường con cháu. Về sau, cụ Hồ Tiết Tăng sinh được 3 người con, trong đó có Lê Am là con trai thứ 2.

Thời bấy giờ, Lê Lợi dấy quân khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn - Thanh Hóa. Khi tiến quân vào Hà Tĩnh, một cánh quân Lam Sơn tiến lên vùng Đỗ Gia (Hương Sơn). Một ngày hè, có một vị quan cưỡi ngựa trắng, dẫn một đội quân Lam Sơn ghé lại vùng đá bạc gặp cụ Hồ Tiết Tăng hỏi chuyện lập căn cứ đánh giặc cứu nước. Cụ Hồ Tiết Tăng vốn thông thạo địa dư vùng này, nên đã chỉ dẫn đường, giúp nghĩa quân kiểm soát được hướng tấn công của địch, tạo căn cứ địa vững chắc nơi đây, đưa cuộc kháng chiến chống quân Minh đến thắng lợi hoàn toàn.
 

Nhà bái đường
 
Sau khi đất nước thái bình, vua Lê đã xét công lao của cụ Hồ Tiết Tăng, ban thưởng tiền bạc và cho ba người con của cụ ra Thăng Long ăn học.

Lê Am vốn là một người thông minh, được đưa vào làm hoạn quan ở trong cung. Nhờ có công lao và đức độ, ông được nhà vua ban thưởng chọn đất an táng khi còn sống. Lê Am đã chọn doi đất cao gần sông Ngàn Mọ - con sông mạch nguồn đã bồi đắp cho cuộc sống dân làng Mỹ Duệ và là nơi dòng họ Hồ mai danh ẩn tích đổi thành họ Lê, nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng ông khôn lớn.

Sau khi mất, Lê Am được nhà vua sắc phong là “Thần tổ tiền đô Thái giám kiêm tam giáo huyền quan, bản hữu Lê tướng công triên cơ thận đức hiển ứng đại vương, trước gia tặng Đoan túc tôn thần” và phong cho ông là Phúc thần đương cảnh thành hoàng làng Phương Cai.

Tháp Cẩm Duệ nằm trên một dòi đất cao thoáng đãng, xung quanh là xóm làng trù mật, thanh bình.Kiến trúc di tích cổ kính hòa nhập cùng vớ iphong cảnh thiên nhiên của những rặng tre làng uốn cong, tán bàng cổ thụ luôn tràn đầy tiếng chim hót, tạo nên một cảnh quan vừa trang nghiêm, vừa gần gũi.

Tháp nằm ở vị trí trung tâm trong toàn thể hệ thống các công trình của di tích.Điểm đặc biệt là toàn bộ ngôi tháp được tạo ghép bằng những phiến đá màu gan gà, các phiến đá được ghép phẳng, vuông thành sắc cạnh, khi ghép vào nhau kết liền không có vữa lót kết dính. Chính đặc điểm này khiến cho du khách khi chiêm ngưỡng có cảm giác như một kim tự tháp thu nhỏ. Các vòm cửa và mái cong, vòm chóp, đỉnh tháp cũng được chế tác tạo bằng đá khối, tạo thành một khối kết dính rất đẹp mắt.
 

Am tháp

Tháp được cấu trúc bình đồ vuông, không kể bệ tháp, chân tháp và phản đỉnh tháp thì ngôi tháp có 3 tầng. Tầng thứ nhất bên trong bài trí bát hương và làm nơi đặt lễ vật dâng cúng. Tầng thứ hai còn lưu lại 5 chữ Hán cổ trên nền hình tròn nổi “Thiên cơ thân đức tạo” (người đức độ, cần mẫn tạo dựng nền tảng). Tầng thứ ba bên trong đặt hai pho tượng đúc bằng đá, bên ngoài có ba chữ Hán đắp nổi “tinh nhật nguyệt” với ý nghĩa ca ngợi tấm lòng sáng như nhật nguyệt của người xưa.

Tại Tháp hiện còn lưu lại 2 pho tượng Phật cổ. Qua chất liệu, phong cách tạc tượng có thể bước đầu nhận thấy đây là hai pho tượng cùng niên đại thời Nguyễn.

Tháp Am là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tinh tế, ở trong một vùng không gian đẹp, hài hòa chính là một điểm mạnh có thể giúp phát triển về du lịch. Đây cũng là một địa chỉ tâm linh để nhân dân tưởng nhớ đến Lê Am - thành hoàng làng Phương Cai, người có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 517
  • Tổng lượt truy cập: 30358298