Danh thắng chùa và núi Thiên Cầm

Đăng lúc: Thứ tư - 03/04/2019 08:44 - Người đăng bài viết: lehoa
Quần thể di tích danh thắng Chùa và núi Thiên Cầm nằm về phía bắc địa phận thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên cách thành phố Hà Tĩnh 27km về phía Đông nam. Xuất phát từ thành phố Hà Tĩnh, du khách đi theo Quốc lộ 1A đến thị trấn Cẩm Xuyên rẽ trái theo đường tỉnh lộ DT4 khoảng 12km là đến danh thắng chùa và núi Thiên Cầm.

Chùa Cầm Sơn. Ảnh: Phạm Minh Đức
Thiên Cầm thuộc đất Kỳ La xưa, nhiều thư tịch cổ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX đã viết về ngọn núi này. Núi Thiên Cầm cao 108m, có hình dáng như một cây đàn tỳ bà, chân núi lấn ra sát biển, phần còn lại nằm trên đất liền chia ngọn núi làm hai phần, dân gian quen gọi là Cùm Nậy, Cùm Con. Hòn Cùm là ngọn núi đẹp. Nhìn ra biển, nước tiếp liền trời, triều lên, sóng lượn như đàn rồng xanh đùa giỡn. Nắng sớm chiếu xuống, sườn núi ánh lên rực rỡ muôn màu. Đá hiện ra những hình dáng kỳ lạ được dân gian đặt cho những tên gọi là "Đá nóc nhà" "Đá lò rượu" "Đá lợn, mạ lợn con" này là "Đá tiên đánh cờ", "Đá trống" "Đá chiêng"... lại có hang động ăn sâu vào lòng núi, gió thổi vào thành tiếng nhạc du dương... Núi Thiên Cầm cũng gắn với nhiều huyền thoại truyền thuyết kỳ thú. Truyền thuyết kể rằng, Vua Hùng thứ XIII một lần đi tuần du phương Nam, lên chơi núi thấy phong cảnh tuyệt đẹp, lại có nhiều dấu chân to lớn in trên đá phiến và nghe tiếng đàn thánh thót trên không. Vua lấy làm lạ, cho vời người trong vùng đến hỏi chuyện. Các phụ lão thưa rằng : "Dấu chân ấy là Tiên trên trời xuống chơi núi để lại, còn tiếng đàn kia là Tiên gảy trên trời. Nhà vua liền gọi tên núi là "Thiên Cầm" - "Đàn trời". Bên cạnh đó, núi Thiên Cầm cũng gắn với một giai đoạn lịch sử đen tối trong lịch sử dân tộc và kết cục bi thương của vương triều nhà Hồ (1400-1407). Tại ngọn núi này, sau khi nhà Hồ thất bại trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, cha con Hồ Quý Ly chạy vào vùng đất Kỳ La và bị bắt tại núi Thiên Cầm. Vì thế, người ta giải thích chữ Thiên Cầm - Đàn Trời, thành Thiên Cầm - Trời bắt. Ngày nay, ở vùng này còn có cái giếng gọi "Giếng Tàu" tương truyền do quân Minh đào và con "Đường bắt" nơi Hồ Quý Ly bị bắt. Hiện ở xóm Yên Thọ còn có cồn thờ "Đường bắt" hàng năm có tế lễ, nhưng không rõ thờ cúng ai. Còn "hang Hồ Quý Ly" thì không ai biết đích xác cửa vào xưa kia ở đâu, có phải cửa hang phía bắc núi hiện nay không? Truyền thuyết là vậy.
 
Trên núi Thiên Cầm trước đây có ngôi miếu thờ sơn thần ở về phía tây, miếu Thánh Mẫu thường gọi đền Nhà Bà ở về phía nam, phía đông có chùa Cầm Sơn. Sách Cẩm Xuyên phong thổ ký của Lê Huy Tiềm soạn năm 1930 chép: "trên núi có chùa cổ". Nhưng chép sớm nhất về chùa này là vua Lê Thánh Tông, trong bài thơ "Kỳ La hải môn lữ thứ" nhà vua viết: "Bên trái cửa bể Kỳ La có ngọn núi sừng sững kỳ tú. Trên núi có ngôi chùa". Như vậy, chùa Cầm Sơn chậm nhất cũng đã có từ thế kỷ XV. Chùa được trùng tu lần thứ ba vào năm Ất Hợi, đời vua Tự Đức (1875). Sau cách mạng (1945), tượng Phật đưa về hợp tự tại chùa Yên Lạc và chùa Gon, xã Cẩm Phúc, còn chuông lớn "Cầm sơn tự chung" thì bị giặc Tàu ô cướp đưa đi.

Núi Thiên Cầm xưa nay vẫn là thắng cảnh sơn thủy hữu tình, đứng trên núi phóng tầm mắt có thể thấy được toàn cảnh khu du lịch và các đảo gần bờ như hòn Én, hòn Bơớc án ngữ xa xa. Dưới chân núi Thiên Cầm là bãi biển Thiên Cầm cát trắng phẳng lỳ, nước biển trong xanh. Từ ngàn xưa, tiếng sóng biển, tiếng gió dội vào vách núi, hòa quyện vào nhau để tạo bản nhạc kỳ vỹ của thiên nhiên. Núi non, biển cả và những sự tích kỳ bí đã tạo cho Thiên Cầm sự bí ẩn đầy mê hoặc, hấp dẫn quyến luyến du khách gần xa.
 

Biển Thiên Cầm. Ảnh: Hương Thành
Bên cạnh chùa và núi Thiên Cầm là Khu du lịch quốc Thiên Cầm đã được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định Số: 4210/QĐ-UBND, ngày 25/12/2009 với quy mô khoảng 1.557ha.Hiện nay, Khu du lịch Thiên Cầm, có hệ thống 20 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 800 phòng nghỉ, đáp ứng yêu cầu của du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thiên Cầm đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu của một khu du lịch biển mang tầm cỡ quốc gia. Du khách tham quan nghỉ dưỡng tại biển Thiên Cầm không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp cùng những di tích danh thắng chùa và núi mà còn được biết đến Hò chèo cạn một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc và tham dự lễ hội Cầu Ngư được tổ chức vào dịp tháng 4 âm lịch hàng năm rất độc đáo tại vùng biển này./.
 
Tác giả bài viết: Võ Đình Thi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 531
  • Tổng lượt truy cập: 55011958