Về “xứ trầm hương” Phúc Trạch

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/11/2017 08:16 - Người đăng bài viết: lehoa
Ở “xứ trầm hương” Phúc Trạch (Hương Khê), ngoài trồng cây dó trầm, người dân còn chế tác trầm mỹ nghệ. Những sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao, giúp bà con tăng thu nhập.
Từ bàn tay khéo léo của người thợ đã làm nên những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo.

Từ bàn tay khéo léo của người thợ đã làm nên những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo.

Ngôi nhà gỗ khang trang nằm khuất trong vườn dó của ông Nguyễn Trung Trực (thôn 8), bày la liệt những sản phẩm trầm mỹ nghệ đã chế tác. Vừa giới thiệu những sản phẩm đã chế tác, ông Trực cũng giới thiệu luôn nguồn gốc, giá trị thực ban đầu của những cây trầm.

Chỉ tay vào 3 sản phẩm được xếp cạnh nhau với tổng giá trị khoảng 130 triệu đồng, ông Trực cho biết: “3 sản phẩm này là từ 1 cây dó tôi mua trong xã với giá trên 50 triệu đồng, tiền công thợ hết khoảng 13 triệu đồng, tính ra lãi cũng được khá. Nghề chế tác này, một cây trầm lãi hàng chục triệu đồng là chuyện hết sức bình thường. Tôi nuôi được 4 đứa con ăn học, lo công việc, nhà cửa đàng hoàng cho chúng cũng nhờ cả vào nghề chế tác trầm”.

Với những người sinh ra trong làng dó như ông Trực, nghiệp trầm đã vận vào mình từ hồi còn trai trẻ khi vào tận các xã ở vùng thượng Kỳ Anh để mua cây giống, đi mua hạt đến việc nhìn những cây dó để ước lượng trầm hương trong từng mạch gỗ… Năm 1990, từ việc tìm hiểu thị trường, ông đã mạnh dạn phát triển thêm nghề chế tác trầm. “Kinh nghiệm lâu năm giúp tôi cảm nhận gần như chính xác lượng trầm trong từng mạch gỗ. Chính vì thế, thay cho việc xuất những cây gỗ dó trầm, tôi lựa chọn những cây có sản lượng trầm cao, thế đẹp để chế tác” - ông Trực chia sẻ.

Nói thì dễ nhưng thực tế nghề chế tác trầm cũng lắm công phu. Để hoàn thiện một sản phẩm, phải qua rất nhiều công đoạn. Khúc gỗ dó được đẽo lớp vỏ gỗ bên ngoài đến khi lộ rõ mạch trầm, lúc đó, người thợ dùng dủm (dụng cụ gọt gỗ) loại bỏ những phần gỗ trắng, gần như chỉ để phần trầm lại. Mạch trầm muôn hình vạn trạng nên đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo để không phạm vào áo trầm. Với những mạch trầm uốn lượn như trôn ốc, họ phải tỉ mẩn dùng móc nhỏ nạo từng chút gỗ.

Hiện nay, ở Phúc Trạch đã có thêm một số người theo nghề chế tác. Anh Lê Văn Thắng (thôn 8) cho biết: “Cây dó sau khi mua về, tùy theo chất lượng mà chúng tôi phân loại chế tác cho phù hợp. Nếu cây chất lượng kém thì làm nhang, còn tốt hơn đem làm hương trầm, cây dó cảnh; tốt hơn nữa thì đem chế tác. Có những cây dó cảnh giá trị ban đầu rất thấp nhưng qua bàn tay tạo hình của người thợ, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng”.

Chỉ tính sơ qua, lá cây trầm làm thuốc, mụn gỗ từ việc chế tác và những cây có sản lượng trầm ít dùng để làm hương, thì những người chế tác trầm mỗi năm đều có nguồn thu nhập “khủng”. Trước đây, sản phẩm chế tác của làng trầm xuất ra nước ngoài, nhưng nay, khi đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất tiềm năng.

Thời gian qua, Phúc Trạch đã thành lập HTX trầm hương để giúp nhau phát triển. Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Khánh cho biết: “Việc ra mắt HTX không chỉ tạo sự tương hỗ giữa những người làm nghề trong xã mà còn là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, tạo dựng thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, HTX có 10 xã viên. Lúc cao điểm giải quyết việc làm cho khoảng vài chục lao động, với mức tiền công trung bình từ 200-250 ngàn đồng/ngày; thợ lành nghề có thể lên đến 500 ngàn đồng/ngày”.

Nghề chế tác trầm nơi đây đang được khách hàng trên cả nước biết đến bằng những sản phẩm mang phong cách riêng. Đó cũng là cách những người làm nghề ở làng dó Phúc Trạch tìm chỗ đứng bền vững cho sản phẩm trầm mỹ nghệ, nâng cao giá trị cho cây trầm địa bàn.


Nguồn tin: baohatinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 418
  • Tổng lượt truy cập: 55709362