Đền Truông Bát, một địa điểm du lịch tâm linh đầy hứa hẹn

Đăng lúc: Thứ tư - 01/11/2017 16:30 - Người đăng bài viết: lehoa
Đền Truông Bát là một di tích cổ, được xây dựng cách nay khoảng 600 năm, toạ lạc trên một vùng non xanh nước biếc, ở một góc Ngã ba Khe Giao- chỗ gặp nhau của Tỉnh lộ 3 và Quốc lộ 15, thuộc thôn 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đền nằm ở toạ độ rất thuận tiện về giao thông: từ trung tâm Thành phố Hà Tĩnh đi lên khoảng 12 km, từ Ngã ba Đồng Lộc tới khoảng 9 km.
Đền Truông Bát, một địa điểm du lịch tâm linh đầy hứa hẹn

Đền Truông Bát, một địa điểm du lịch tâm linh đầy hứa hẹn

Đền là nơi thờ Vương nương Thánh mẫu đệ nhị thượng ngàn hay còn gọi là Lộc Hoa công chúa, tục gọi là đền bà chúa Lộc. Tương truyền, Lộc Hoa công chúa có tên huý là Phạm Thị Thoả, người huyện Đỗ Gia (nay thuộc phần đất huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), sống vào khoảng thế kỷ XV. Bà là người có công lớn trong việc giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho đất nước.

Sau khi mất, bà hiển linh giúp dân trong vùng. Xét công trạng và sự linh thiêng “hộ quốc tý dân”,  vua Lê Thánh Tông đã cho lập miếu thờ và phong bà là Vương Nương Thánh Mẫu Lộc Hoa Công Chúa Thượng đẳng tối linh thần. Sang thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng trong một lần kinh lý qua đây, khi đến vùng Khe Giao, đột nhiên trời đất tối sầm, mây đen vần vũ, voi ngựa sợ hãi chùn chân. Trông lên phía trước mặt, vua và quần thần chợt thấy một ngôi miếu rêu phong cổ kính, thấp thoáng sau chòm cây cối um tùm, như có linh khí bay lên từ đấy. Nhà vua và quần thần cảm thấy rùng mình, vội buộc voi ngựa, vào miếu dâng hương, tiến lễ vái lạy. Một lúc sau, mây tạnh, mù tan, núi rừng trở lại quang đãng, đoàn người mới đi lại được. Thấy sự kỳ lạ của ngôi miếu cổ nơi núi sâu rừng thẳm, sau khi hồi kinh, nhà vua xem xét điển chế tiền triều và sự tích ngôi miếu, phong cho thần miếu là Vương Nương Thánh Mẫu, Cao Sơn Thần Nữ, Chế Thắng Đại Vương, Thượng thượng đẳng tối linh thần, đồng thời cho trùng tu đền thờ nguy nga ngay trên nền miếu cũ và chỉ dụ thần dân trong vùng hằng năm tế lễ vào ngày húy kỵ của bà là mùng 7 tháng 4 AL. 

Cùng với sự phát triển tín ngưỡng bản địa, đền trở thành một cơ sở thờ Đạo Mẫu điển hình, gọi là Tam toà thánh mẫu, gồm có: Đệ nhất mẫu (Bà chúa Thượng thiên), Đệ nhị mẫu (Bà chúa Thượng ngàn), Đệ tam mẫu (Bà chúa Thoải/Thuỷ). Ngoài ra, đền còn là nơi hợp tự, phối thờ một số nhân vật lịch sử địa phương. Qua một thời gian dài, do sự huỷ hoại của khí hậu, thiên tai và chiến tranh, di tích này bị xuống cấp trầm trọng. Gần đây, được sự cho phép của chính quyền địa phương, công ty Cổ phần đầu tư Thành Công (Nghệ An), Công ty TNHH Xuân Hà (Hà Tĩnh) cùng với các đạo hữu gần xa đã đóng góp nguyên vật liệu, công sức để phục dựng lại ngôi đền trên nền di tích cũ.

Hiện nay, giai đoạn I của công trình phục dựng ngôi đền đã hoàn thành, bao gồm các hạng mục: bái đường, hậu cung, nội thất, nhà sắm lễ, nhà ban quản lý, sân vườn, hồ cảnh, tượng thánh mẫu... Theo đề án, giai đoạn II của công trình bao gồm khuôn viên, đường vào di tích, hệ thống đường nội bộ, khu dịch vụ… sẽ được các nhà tài trợ cùng các đạo hữu tiếp tục phối hợp với chính quyền xã Ngọc Sơn triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tuy toàn bộ công trình chưa xây dựng xong, nhưng với những đơn nguyên chính đã hoàn thành, ngôi đền đã có một diện mạo tráng lệ, hoà vào cảnh trí thiên nhiên thanh nhã, thâm u, tạo nên sức hấp dẫn đối với đạo hữu và du khách gần xa. Hằng năm, cứ đến ngày kỵ Lộc Hoa công chúa, các đạo hữu, nhân dân địa phương, du khách nhiều nơi về tề tựu đông vui, tổ chức tế lễ trang trọng. Ngày thường, không ít các đoàn khách du lịch trong Nam ngoài Bắc đến các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng như Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Đền Chiêu Trưng,... đều ghé đền Truông Bát thắp hương tưởng niệm và cầu mong được phù hộ.

Để có một ngôi đền được phục dựng hoành tráng cùng với lễ hội ngày càng được phục hưng theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc như thế, ngoài sự vào cuộc tích cực của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương, phải kể đến sự đóng góp tích cực của ông Ngô Đức Cẩn cùng các đạo hữu gần xa. Hiện tại, ông Cẩn đã được UNESCO công nhận là nghệ nhân Chầu Văn hầu đồng và đã có quyết định của cơ quan chức năng cho phép làm thủ nhang đền Truông Bát.

Với một di tích nổi tiếng linh thiêng từ xưa, đang được tiếp tục trùng tu, tôn tạo, cơ sở vật chất ngày một thêm hoàn chỉnh; nếu nghệ thuật hát Chầu Văn được thủ nhang và các đạo hữu kết hợp nhuần nhuyễn với dân ca ví, giặm địa phương, đưa vào phục vụ một cách hợp lý trong các dịp tế lễ, chúng ta hy vọng rằng đền Truông Bát sẽ trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh có sức thu hút du khách không kém bất cứ một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng nào trên phạm vi cả nước.
 
Tác giả bài viết: Phạm Quang Ái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 544
  • Tổng lượt truy cập: 31511306