Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du với sự phát triển du lịch

Đăng lúc: Thứ ba - 06/10/2015 13:46 - Người đăng bài viết: quynhtrang
Nguyễn Du (1765 - 1820) quê ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông được sinh ra tại Bích Câu (Thăng Long), trong một gia đình dòng dõi trâm anh thế phiệt, cha là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, mẹ là bà Trần Thị Tần (quê ở Bắc Ninh). Thời Hậu Lê đây là một nơi cư trú của gia đình quan to, các văn nhân tài tử. Môi trường văn hóa của ba vùng đất văn vật Xứ Nghệ - Thăng Long - Kinh Bắc cùng truyền thống dòng họ, gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tài năng của Nguyễn Du, đã nuôi dưỡng tâm hồn ông và hun đúc nên một Đại thi hào cho dân tộc.
 


Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du
Cuộc đời Nguyễn Du là một bản trường ca với nhiều thăng trầm. Chính những biến động, những trải nghiệm, những đau khổ của bản thân đã giúp ông có cái nhìn sâu sắc đối với cuộc đời. Những tâm sự ấy được ông gửi gắm vào văn chương, vào những “đứa con tinh thần” của mình. Trong đó phải kể đến một tác phẩm đã góp phần làm rạng rỡ nền văn học dân tộc, đã đưa một người con của quê hương Hà Tĩnh lên địa vị Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đó chính là Kiệt tác "Truyện Kiều" bất hủ. Hàng trăm năm qua, "Truyện Kiều” đã sống trong đời sống của toàn dân tộc, không riêng gì văn học Việt Nam mà trên toàn thế giới cũng hiếm có tác phẩm nào chinh phục được tình cảm đông đảo người đọc như truyện Kiều.

Với vị thế và tầm ảnh hưởng to lớn ấy, Nguyễn Du xứng đáng được nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới cảm phục, tưởng nhớ. Khu di tích Nguyễn Du đã được hình thành với ý nghĩa ghi dấu lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, là nơi để nhân dân cả nước cùng bạn bè quốc tế hành hương tìm về mảnh đất đã sinh ra Đại thi hào.

Khu di tích Nguyễn Du là cả một quần thể nhiều di tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Khu di tích vốn xưa là tư dinh của dòng họ. Cuối thế kỷ XVI, kể từ khi Nam dương công Nguyễn Nhiệm chạy trốn sự truy bức của triều đình Lê - Trịnh vào sống tại vùng đất hoang vu hẻo lánh của xứ Nghệ An, bằng sức lao động cần cù với tinh thần quả cảm, các thế hệ con cháu dòng họ đã khai hoang phục hóa, mở rộng điền trang địa ấp dựng nhà lập làng trở thành dòng họ lớn ở Nghi Xuân. Họ đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc về lịch sử dòng họ, tôn giáo tâm linh. Nhưng qua nhiều biến động lịch sử của chiến tranh, cộng thêm sự tàn phá của thiên nhiên, các công trình này phần nhiều hư hỏng, chỉ còn lại một số di tích con cháu còn giữ đến ngày hôm nay.

Ngay từ khi mới thành lập, chức năng chính của những người làm việc tại khu di tích vẫn là bảo quản và phát triển các giá trị văn hóa của khu di tích qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời Nguyễn Du. Khu di tích Nguyễn Du đã phát huy tốt vai trò và sự ảnh hưởng tích cực của nó tới đời sống tinh thần của người dân lúc bấy giờ.

Năm 1964, trong phiên họp tại Beclin (Đức) từ ngày 6-9/12/1964, Hội đồng Hòa Bình Thế giới đã ra quyết định kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du trên toàn thế giới cùng 8 danh nhân khác đã có công đóng góp to lớn cho nền văn hóa của nhân loại. Truyền thống văn hóa của Tiên Điền từ đây được ghi vào lịch sử phát triển văn hóa văn minh nhân loại bởi đã cống hiến cho nhân loại một tài năng kiệt xuất. Ở Việt Nam, thời gian đó cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đang diễn ra ác liệt cả hai miền bắc nam. Tuy vậy, Đảng và Nhà nước ta vẫn tổ chức Lễ kỷ niệm một cách long trọng trên cả hai miền và đã gây ấn tượng sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân ta và nhân dân trên toàn thế giới. Niềm vui và niềm tự hào lớn lao ấy đã thực sự trở thành nguồn động viên để tiếp thêm sức mạnh cho làng quê và người dân Tiên Điền  trong những năm tháng chiến tranh.

Mặc dù Hà Tĩnh lúc bấy giờ bị bom đạn đánh phá hết sức ác liệt, nhưng những học sinh, sinh viên, cán bộ chiến sỹ trên đường ra mặt trận vẫn thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ nhà thơ yêu quý của dân tộc. Phải chăng chính nơi đây đã thắp lên cho họ một niềm tin để có thể chiến đấu chống lại mọi kẻ thù. Theo như đoạn trích trong lời của Ban Bí thư TW Đảng Lao Động Việt Nam đã nhận định: Thông qua việc kỷ niệm Nguyễn Du, chúng ta phải làm cho nhân dân thế giới hiểu rằng: “Nước Việt Nam ta vốn có một nền văn hoá lâu đời và có tính dân tộc độc đáo, vốn có một truyền thống văn hóa phong phú và lành mạnh, trên cơ sở đó mà tranh thủ thêm tình cảm của nhân dân thế giới đối với dân tộc ta về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước hiện nay của nhân dân ta”. Từ đây, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng mãnh liệt của một con người vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Khu di tích hình thành còn có ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát triển ý thức về bản sắc vùng quê, nâng cao lòng tự hào về quê hương đất nước. Khu di tích được coi như là trung tâm văn hóa của tỉnh, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đã được tổ chức tại đây với quy mô hoành tráng.

Không những thế, Khu di tích Nguyễn Du còn đóng vai trò là “dụng cụ” giáo dục trực quan cho con người, bởi nơi đây lưu giữ những hiện vật gốc có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Thông qua việc chứng kiến tận mắt sẽ đáp ứng nhu cầu hiểu biết của nhân dân, tác động mạnh đến tâm lý của họ tạo nên ấn tượng sâu sắc và khó quên. Nó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục ngoài nhà trường dành cho học sinh, sinh viên. Ngoài những lời giảng trên lớp, các thầy cô giáo có thể dẫn các em đến đây để tham quan, học tập và trải nghiệm, như vậy sẽ giúp các em có cách học, cách hiểu dễ dàng hơn về Nguyễn Du cũng như tác phẩm Truyện Kiều. Với những giá trị to lớn về mặt tinh thần đó, việc phát triển khu di tích Nguyễn Du trở thành một điểm du lịch dành cho du khách tham quan và học tập nghiên cứu trở thành một nhu cầu hết sức quan trọng và cần thiết.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi khu di tích đã hoàn thành tốt chức năng bảo tồn, bảo tàng và hoạt động du lịch ngày càng trở nên phổ biến thì vai trò của nó trong việc phát triển du lịch Hà Tĩnh càng được quan tâm hơn. Khu di tích Nguyễn Du được xác định là một trong những điểm "hạt nhân" để Hà Tĩnh phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử. Nó là điểm mấu chốt để thực hiện các tour du lịch văn hoá - lịch sử, là trung tâm để kết nối giữa du lịch Hà Tĩnh với du lịch Nghệ An, Quảng Bình... Từ đó có thể tổ chức các tour du lịch tham quan di tích theo chủ đề hoặc có sự kết hợp giữa các đối tượng tham quan khác nhau.

Đến với khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, du khách cũng có thể kếp hợp với việc ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên của sông Lam - núi Hồng, tham quan Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Đền Chợ Củi hay thưởng thức loại hình ca trù Cổ Đạm đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tất cả sẽ đem đến cho du khách cái nhìn tổng quan về một vùng đất Hà Tĩnh giàu truyền thống yêu nước với tinh thần hiếu học, ham thích văn chương, từ đó thúc đẩy du lịch văn hoá Hà Tĩnh phát triển đồng thời góp phần bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống vốn có của dân tộc.

Sự phát triển về mặt du lịch của khu di tích Nguyễn Du còn tác động trực tiếp đến nhiều ngành dịch vụ khác, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân. Nếu như biết khai thác tốt ở khía cạnh du lịch thì điều này không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế cho xã hội mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với du khách và góp phần mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Hà Tĩnh với mọi miền trên đất nước. Mặt khác, khu di tích còn tạo điều kiện thu hút đầu tư ngân sách từ các nhà đầu tư bên ngoài, tác động đến sự tăng trưởng của các ngành kinh tế và đời sống xã hội, đồng thời góp phần quan trọng trong sự đổi mới nền kinh tế ở vùng nông thôn. Nhận thấy tầm quan trọng đó, đã có nhiều dự án đầu tư vào nhằm tu bổ khu di tích để nơi đây không chỉ là nơi bảo tồn, bảo tàng tốt mà còn có thể đáp ứng được cả nhu cầu về phục vụ tham quan du lịch.

Năm 2001, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh triển khai dự án trùng tu và tôn tạo khu di tích Nguyễn Du với số vốn trên 9 tỷ đồng, bao gồm 19 hạng mục, trong đó có những hạng mục cơ bản như nhà Tư văn, đền thờ Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, xây dựng nhà văn hóa và dựng tượng Nguyễn Du. Sau 3 năm khẩn trương thi công, đến năm 2004 khu di tích đã hoàn thành và đi vào hoạt động phục vụ đồng bào trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Ngày 22/8/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2450/UBND - VX phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu văn hóa du lịch Nguyễn Du với tổng diện tích 339,75ha (tỷ lệ 1/2000), thuộc phạm vi xã Tiên Điền và một phần diện tích thị trấn Nghi Xuân và xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Khu di tích Nguyễn Du không chỉ là di tích nổi tiếng của Hà Tĩnh mà còn là một di sản văn hóa quan trọng của cả nước, chính vì lẽ đó, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là Di tích Quốc gia cấp đặc biệt. Ngày 20/12/2013, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ theo Quyết định số 2542/QĐ-TTg về việc Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu di tích Nguyễn Du. Với việc quy hoạch này, khu di tích Nguyễn Du sẽ trở thành trung tâm văn hóa du lịch hấp dẫn của cả nước, đây sẽ là cơ hội để phát triển khu di tích thành một sản phẩm du lịch có quy mô và nâng cao vị thế của nó trong sự phát triển du lịch của quốc gia.

Năm 2015, nhân dân Hà Tĩnh và cả nước đang chuẩn bị để tổ chức nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du vào tháng 11 tới với quy mô cấp quốc gia. Đây sẽ là niềm vinh dự lớn lao cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với Đại thi hào, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du và vai trò quan trọng của Khu di tích trong việc phát triển du lịch Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tác giả bài viết: Quỳnh Trang
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Đoàn Mạnh Dũng - Đăng lúc: 18/10/2015 19:56
Nội dung viết cảm nghĩ của em sau khi đi tham quan khu di tích nguyễn du

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 451
  • Tổng lượt truy cập: 30373820