Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom một điểm đến hấp dẫn

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/01/2015 17:01 - Người đăng bài viết: admin
Trong suốt hành trình 30 năm gian nan tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều nước và để lại dấu ấn sâu đậm tại nhiều địa phương ở nước ngoài. Bản Mạy, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) là một trong những địa chỉ mà Người đã từng sống và làm việc một thời gian khá dài. Nơi đây còn lưu giữ những hình ảnh đẹp về Người với cuộc sống thanh cao và bình dị...
Tháng 7.1928, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Châu Âu về Xiêm (Thái Lan). Cuối năm 1928, Người đến bản Mạy. Tại đây, với bí danh là Thầu Chín, người đã sống chan hoà với bà con Việt kiều. Thầu Chín đã đề nghị dân làng đổi tên từ bản Na Choọc (bản Chó rừng) thành bản Mạy, có nghĩa là “làng mới”, đánh dấu sự đổi mới làng quê do cộng đồng người Việt lập nên. Ban đầu, Thầu Chín huy động một số thanh niên trong bản tự đốn gỗ và nung gạch để xây dựng nên một căn nhà sàn vừa làm nơi sinh hoạt, học tập và là nơi tá túc cho những cán bộ cách mạng từ trong nước sang. Người gọi đây là nhà hợp tác. Ngôi nhà quay mặt về phía hồ nước Noọng Nhạt; trước nhà, Thầu Chín trồng cây khế, hai cây dừa cùng hàng rào hoa râm bụt...
 
Nhờ đó, bản Mạy đã trở thành điểm tụ họp thường xuyên của rất nhiều người Thái gốc Việt. Thời kỳ này, người Việt ở Nakhon Phanom chưa hề biết rõ về Thầu Chín, chỉ thấy đó là người đàn ông dễ gần, rất chu đáo với bà con trong mọi chuyện. Ngày ngày, sau mỗi buổi làm việc, Thầu Chín cùng với các thanh niên khác chơi trò đá bóng, dạy cho dân cách trồng lúa, trồng khoai, cách tiết kiệm tiền để sẵn sàng hướng về quê hương, giúp đỡ cách mạng. Người căn dặn bà con Việt kiều dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn hướng về quê hương đất nước.

Vô cùng cảm mến Thầu Chín, nên khi Người đi khỏi bản Mạy, chuyển sang hoạt động ở những địa phương, đất nước khác, bà con Việt kiều ở đây đã nâng niu, trân trọng gìn giữ những di vật mà ông để lại. Đặc biệt, về sau khi biết rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ông Thầu Chí năm xưa thì bà con bản Mạy càng tự hào và bội phần trân trọng.

Ngôi nhà nhỏ mà lãnh tụ kính yêu từng ở tại bản Mạy không chỉ là di tích lịch sử quý giá gắn với cuộc đời cách mạng sôi động của Người mà còn là nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Thái. Ngay cạnh ngôi nhà nhỏ này, có Làng hữu nghị Việt - Thái và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền hai nước Việt- Thái xây dựng từ năm 2004, cách Băng-cốc hơn 700km. Tất cả các công trình lưu niệm này đã trở thành một địa chỉ văn hóa - du lịch - lịch sử có tầm vóc bề thế, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, nơi hẹn gặp của mọi tấm lòng của bà con xa quê hương luôn hướng về đất nước và là điểm đến của các bạn Thái Lan ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Theo thông tin từ người dân bản Mạy, hiện đã có người dân từ 74 tỉnh/76 tỉnh của Thái Lan thường đến thăm viếng khu di tích này.

Ngày nay, trong xu thế phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, để kêu gọi đầu tư vào các khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Khăm muộn (CHDCND Lào) và tỉnh Nakhon Phanom (Vương quốc Thái Lan). Thời gian qua, giữa Hà Tĩnh với Khăm Muộn và Nakhon Phanom đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đã phát triển sang chiều sâu, hiệu quả hơn. Đã có các dự án đầu tư về sản xuất theo hướng liên kết vùng và liên vùng 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12 nối với các tỉnh của Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan. Đặc biệt, sau khi cầu Hữu Nghị 3 được khánh thành, việc kết nối các tỉnh Hà Tĩnh - Khăm Muộn - Nakhon Phanom cũng như các tỉnh khác của 3 nước bằng đường bộ hết sức thuận lợi. Từ cảng Vũng Áng đi theo đường 12 qua Khăm Muộn đến Nakhon Phanom và theo đường 8 qua Bôlykhămxay đến Nakhon Phanom chỉ từ 300 - 350 km.

Trong chuyến thăm và làm việc gần đây nhất (từ ngày 03 đến ngày 06/3/2014) của đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh do ông Võ Kim Cự, Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã mở ra hướng mới, trong đó có việc cả 3 tỉnh đã thống nhất với nhau về việc mở tuyến du lịch từ Hà Tĩnh- Khăm Muộn - Nakhon Phanom và ngược lại. Kết nối được tuyến du lịch này vừa đảm bảo việc phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch; là cơ hội để giải quyết nhiều việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người dân một cách bền vững hơn. Và trong tuyến du lịch Hà Tĩnh - Khăm muộn - Namkhon Phanom, thì khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy sẽ là một trong những địa chỉ hấp dẫn dành cho du khách.

Trà Sơn



 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 475
  • Tổng lượt truy cập: 55010152