Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh ở Thanh Hóa

Đăng lúc: Thứ tư - 25/09/2019 15:30 - Người đăng bài viết: lehoa
Nói đến xứ Thanh là nói đến cội nguồn của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị mang tầm quốc gia và quốc tế. Hiện tại, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, trong đó có nhiều di tích văn hóa lịch sử đặc sắc như Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Khu di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, Lăng miếu Triệu Tường, Đền thờ Nguyễn Nghi… Thanh Hóa còn là vùng đất lưu dấu những chứng tích của các nền văn hóa, khởi nguồn từ dòng sông Mã - điều kiện quan trọng hấp dẫn con người có mặt từ sớm và tạo dựng nên những nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hóa đá mới (Đa Bút), văn hóa tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên văn hóa đồ đồng với trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.

 
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em với những đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, hò, vè; lễ hội, lễ tục. Với trên 300 lễ hội truyền thống được thường xuyên tổ chức, tiêu biểu như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Mường Xia, lễ hội Căm Mương, lễ hội Mường Khô... hệ thống các lễ hội tín ngưỡng gắn với di tích Cửa Đặt, Đền Sòng Sơn, đền Phố Cát, đền Hàn, đền Cô Bơ, đền Độc Cước... và hệ thống các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc đã tạo nên bức tranh lung linh đa sắc màu của văn hóa xứ Thanh. Đó là nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều năm qua Thanh Hóa đã và đang từng bước bảo tồn, phục dựng và khai thác, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.
 
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định phát triển du lịch là một trong năm chương trình trọng tâm của tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh và Đề án nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các hoại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch, trong đó đã định hướng du lịch văn hóa, tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh, đồng thời là nguồn lực để du lịch Thanh Hóa phát triển du lịch bốn mùa.

Ý thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung rà soát, thống kê, phân loại và hoàn chỉnh hồ sơ và căn cứ pháp lý, từng bước nâng cao vị thế các di sản văn hóa, tâm linh: Năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới; từ năm 2012 đến năm 2019, các di tích như Khu di tích Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân; Khu di tích Đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc và Hang Con Moong, huyện Thạch Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt; 141 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích cấp Quốc gia; 698 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, loại hình di sản văn hóa phi vật thể như Trò Xuân Phả, Trò Chiềng; Lễ hội Pồn Pôông, Xường giao duyên của người Mường, lễ tục Kin Chiêng Bọoc Mạy (lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông) của người Thái đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch có di tích quan trọng đều đã được lập quy hoạch; các di sản văn hóa đều đã được lập hồ sơ, làm cơ sở cho việc bảo tồn, đầu tư khai thác, phát huy giá trị một cách lâu dài. Công tác đầu tư tôn tạo di tích đang từng bước phát huy các giá trị văn hoá - tâm linh và hướng đến mục đích khai thác phục vụ du lịch; một số di tích trọng điểm đã cơ bản hoàn thành, như Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền Bà Triệu đã phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch văn hoá - tâm linh, ngày càng thu hút đông khách du lịch.

 Các lễ hội truyền thống, liên hoan nghệ thuật dân tộc, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, nếp sống đẹp… đã được phục dựng, bảo lưu giá trị, nhất là việc tổ chức các lễ hội truyền thống quy mô lớn hàng năm đã trở thành một phần quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu du lịch trọng điểm có di tích văn hóa đã từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, làm thay đổi diện mạo của các khu du lịch trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận và sử dụng sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả việc khai thác tài nguyên du lịch.

Nhờ sự đầu tư quy mô này nên những năm gần đây lượng khách du lịch đến với loại hình du lịch văn hoa tâm linh của Thanh Hóa không ngừng tăng lên: Kết quả 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến các điểm du lịch văn hóa, tâm linh ước đón được 1.192.205 lượt khách, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định là điểm du lịch văn hóa, tâm linh được nhiều khách yêu thích, nhưng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của Thanh Hóa vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu dịch vụ bổ trợ, những điểm vui chơi giải trí đi kèm; công tác đầu tư, tôn tạo, khôi phục các di tích thực hiện chậm, nên thời gian lưu trú và vui chơi giải trí của khách du lịch còn khá thấp, nguồn thu từ loại hình du lịch này rất hạn chế. Hiện tại, loại hình du lịch văn hóa, tâm linh mới chỉ thu hút được khoảng 20-25% tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa, trong đó, phần lớn là khách du lịch nội địa. Bên cạnh đó, các lễ hội tín ngưỡng thường tập trung diễn ra vào dịp mùa Xuân nên dẫn đến tình trạng quá tải.

Trong thời gian tới, để khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, ưu tiên tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa nhằm khai thác, phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển du lịch tại các di tích trọng điểm. Tiếp tục quan tâm đến công tác sưu tầm, khôi phục các trò chơi, trò diễn, dân ca dân vũ, các lễ hội, diễn xướng dân gian; sưu tầm, thống kê, phân loại và đánh giá các di tích và giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể, làm cơ sở cho việc ưu tiên đầu tư bảo tồn, khôi phục, giữ gìn, phát huy phục vụ cho phát triển du lịch.

Thứ hai, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật tại các di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận tài nguyên du lịch văn hóa, tâm linh và sử dụng các dịch vụ du lịch chất lượng. Triển khai thực hiện đúng tiến độ các dự án giao thông và cơ sở hạ tầng tại các di tích; đầu tư hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển du lịch. Chủ động, tích cực huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch tại các di tích trọng điểm.

Thứ ba, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kết nối các tour, tuyến nhằm thu hút khách du lịch. Thực hiện quảng bá giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển của các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh. Phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và hình thành các tour, tuyến kết nối với các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh để giới thiệu với khách du lịch, ưu tiên các tuyến có triển vọng. Liên kết, hợp tác với các địa phương có điều kiện tương đồng để hình thành các tour du lịch văn hóa, tâm linh; các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc thu hút khách.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa cho các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch của địa phương. Quản lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường; an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai tuyên truyền sâu, rộng Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, quyết tâm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn lao động du lịch tại các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh. Trong đó, quan tâm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử, áp dụng các phần mềm công nghệ nhằm đa dạng hóa các hình thức hướng dẫn khách du lịch. Phát huy hiệu quả nguồn lao động địa phương.

Việc khai thác giá trị văn hóa, tâm linh gắn với phát triển du lịch đang là cách làm được nhiều địa phương lựa chọn, triển khai thực hiện. Làm thế nào để loại hình du lịch văn hóa - tâm linh trở thành một sản phẩm hấp dẫn khách du lịch thì không phải địa phương nào cũng thành công. Vì vậy, việc lựa chọn, đầu tư, cách thức tổ chức, cũng như xúc tiến quảng bá cho lễ hội và loại hình văn hóa dân gian cần sớm được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện. Hy vọng, với việc triển khai Đề án "Nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch", cùng với với lộ trình và bước đi vững chắc, các lễ hội và loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của Thanh Hóa được lựa chọn sẽ sớm trở thành những sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Tác giả bài viết: Phòng Quản lý Du lịch - Sở VHTTDL Thanh Hóa
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 453
  • Tổng lượt truy cập: 30386623