Bánh tráng Hà Tĩnh

Công đoạn chủ yếu để làm ra loại bánh này là phải tráng bánh cho mỏng, có lẽ vì vậy tên gọi của nó bắt nguồn từ đây. Người Hà Tĩnh quen gọi là bánh tráng, một số vùng gọi là bánh đa, có nơi lại gọi là bánh khô, dù tên gọi khác nhau nhưng đều chung một cách làm, chỉ khác nhau chỗ pha chế nguyên liệu và kích thước của bánh.

Có thể phân biệt bánh tráng Hà Tĩnh với các vùng khác là bánh ở đây to, dày và nhiều vừng. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo và vừng. Gạo phải là thứ gạo ngon, mới và trắng thì bánh mới có độ thơm và độ phồng khi quạt bánh chín. Gạo sau khi được sàng lọc kỹ, vo đãi thật sạch rồi cho vào nước lạnh ngâm chừng 4 đến 5 tiếng. Khi gạo đã mềm và có độ nở, cho gạo vào cối để xay thành bột. Nếu như bánh tráng một số nơi dùng loại vừng trắng thì bánh tráng Hà Tĩnh lại sử dụng vừng đen. Hạt vừng phải căng tròn, đen nhánh, đều hạt thì khi thưởng thức bánh mới cảm nhận được độ béo, độ bùi.

Cách làm bánh tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi độ khéo léo. Để tráng bánh, người làm bánh cần dùng một cái nồi, cho nước lạnh vào bên trong rồi dùng một tấm vải mỏng buộc trùm kín nồi. Ngoài ra, cần phải có thêm một thanh tre dẹt, bản mỏng để lấy bánh khi chín. Để bánh không bị dính vào thanh tre, người ta để sẵn một ống nước lạnh bên cạnh, mỗi lần lấy xong bánh lại thả que vào ống nước. Khi nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn sàng, bắc nồi lên bếp, đợi nước sôi, dùng một cái gáo múc một lượng bột vừa đủ rồi thêm một nhúm vừng và đổ lên trên tấm vải, dùng gáo tráng đều lớp bột và vừng thật mỏng theo hình tròn, động tác này phải khéo léo, nhanh nhẹn diễn ra chỉ trong vài giây. Khi bánh chín, dùng thanh tre luồn dưới bánh gỡ ra, trải bánh trên một cái vỉ được đan bằng tre. Một vỉ tre thường trải được rất nhiều bánh tùy vào người làm bánh đan vỉ dài hay ngắn. Người ta thường tráng bánh vào tiết trời nắng bởi nắng càng to thì bánh càng nhanh khô và quá trình phơi không bị gián đoạn như vậy bánh sẽ càng ngon. Muốn dự trữ bánh vào mùa mưa ta cho những chiếc bánh đã khô khén vào trong túi bóng và buộc chặt.

Để nướng chín bánh, người làm phải sử dụng tới bếp than. Than được cho vào một cái nồi đất (giữ nhiệt lâu), dùng quạt tay hoặc quạt máy để quạt cho lửa đỏ rực, rồi hơ bánh trên bếp, vừa nướng vừa dùng quạt tay để quạt lửa, phải trở bánh đều tay để bánh chín vừa ngon. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu không cẩn thận, bánh sẽ bị cháy mà vẫn không đủ độ chín. Để giữ bánh giòn lâu nên đợi bánh nguội một lúc sau đó cho vào túi bóng buộc chặt hoặc bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Có loại bánh dày thì nhiều vừng, bánh mỏng thì ít vừng hơn, thường một cái có giá khoảng 5000 đồng.

Hầu như ở tất cả các chợ của Hà Tĩnh từ nông thôn đến thành thị đều có bánh tráng, nó như món “quà vặt” thân thuộc của mỗi người dân, nhưng nổi tiếng ngon thì phải kể đến bánh tráng của một số vùng như bánh tráng chợ Huyện (Lộc Hà), bánh tráng chợ Nhe (Can Lộc), bánh tráng chợ Trổ (Đức Thọ), bánh tráng Cẩm Hà (Cẩm Xuyên).

Có rất nhiều cách để thưởng thức bánh, cách thông thường nhất là ăn bánh tráng chấm với nước mắm có tỏi, ớt. Miếng bánh giòn, thơm bùi đã ăn một miếng thì muốn ăn mãi… Nhiều người nếu cảm thấy khô hoặc những người già răng yếu có thể nhúng bánh qua nước lạnh cho mềm lại, dễ nhai hơn mà hương vị vẫn không đổi.

Bánh tráng còn được dùng ăn kèm các món nhậu như một món ăn khai vị. Trước khi dọn tiệc, trong thời gian chờ đợi, thực khách có thể ngồi nhâm nhi cái bánh tráng, chấm với nước mắm cũng đã thấy ngon vô cùng. Bánh tráng là thứ bánh ăn kèm không thể thiếu với các món như các loại nộm, sò, hến hay ốc nóng…

Ngoài ra, người dân Hà Tĩnh còn dùng bánh tráng để tạo ra thứ bánh gọi là bánh cặp. Bánh cặp hay còn gọi là bánh hai ướt một ráo, là loại bánh kết hợp giữa bánh tráng và bánh mướt (bánh ướt), một cái bánh tráng ở giữa, hai cái bánh mướt bọc hai bên, cặp lại với nhau rồi đập dập để bánh dính chặt vào nhau, chấm với nước mắm tỏi ớt, ăn ngon lạ mà không hề chán.

Bánh tráng kẹp với cơm nếp cũng là một món ăn ngon lạ. Hai mảnh bánh tráng đã nướng kẹp hai bên, cơm nếp ở giữa, cái giòn, béo của bánh kết hợp với độ dẻo, thơm của nếp hòa trộn thành một hương vị đặc biệt.

Bánh Tráng Hà Tĩnh là thứ bánh dân dã, giản đơn nhưng thân thuộc với bất kỳ mỗi người con Hà Tĩnh, để rồi ai đi xa cũng phải nhớ về./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *