Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú được công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 11/6/1992, nhưng tại đây, các hoạt động về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích đã có từ năm 1977. Ban đầu di tích là một tổ thuộc bảo tàng Nghệ Tĩnh, sau khi Nghệ Tĩnh bị tách ra thì di tích lại do bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Đến ngày 14/6/2002, ban quản lý di tích Trần Phú được thành lập. Kể từ đó đến nay, khu di tích chịu sự quản lý trực tiếp của ban quản lý di tích.

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú

Quần thể khu di tích được chia làm 3 phần bao gồm: nhà thờ, nhà trưng bày và khu mộ.

Nhà thờ tiểu chi họ Trần (chi thứ 2) nguyên là ngôi nhà dân dụng cụ Trần Viết Tân- cố nội đồng chí Trần Phú- xây dựng năm 1862. Sau khi ông Tân qua đời, ngôi nhà được ông Trần Viết Tiến kế tự. Khi ông Tiến mất, ngôi nhà được ông Trần Văn Phổ- thân sinh đồng chí Trần Phú thừa hưởng. Đầu năm 1901 khi ông Phổ mang theo cả gia đình vào huyện Tuy An, tỉnh Phú yên dạy học thì ngôi nhà này được ông Đồ Câu- chú ruột Trần Phú- sử dụng. Cho đến khoảng đầu năm 1930 khi ông Đồ Câu mua được ngôi nhà 3 gian đặt cạnh đây thì ngôi nhà này được ông hiến tặng cho dòng họ và từ đó tới nay trở thành nhà thờ tiểu chi họ Trần. Chính ngôi nhà này trong thời gian đồng chí Trần Phú học tại trường Quốc Học Huế (1918- 1922) và thời gian đồng chí dạy học ở trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922- 1925) đồng chí thường về thăm nhà vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Vì vậy ngôi nhà được gìn giữ và tu bổ làm di tích lưu niệm Trần Phú, nơi thờ tự vong linh đồng chí Trần Phú và vong linh tổ tiên họ Trần.

Nhà thờ tiểu chi họ Trần
Nhà thờ tiểu chi họ Trần

Nhà thờ vốn nguyên gốc có kiến trúc theo lối tứ trụ, 3 gian không lồi, tường xây bằng đá ong xung quanh nền được ghép bằng đá hộc, mái lợp ngói cẩm trang. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1862 nhưng do ảnh hưởng của  trận lũ lụt năm 1945 và cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ bằng không quân lần thứ nhất (1964) ngôi nhà có một số thay đổi nhưng nhìn chung vẫn giữ được kiến trúc như ban đầu. Năm 1962, ngôi nhà được ty văn hoá Hà Tĩnh tu bổ đồng thời mua thêm một ngôi nhà lim 5 gian làm nhà trưng bày bổ sung những hiện vật, tài liệu về thân thế và sự nghiệp đồng chí Trần Phú để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu. Năm 1998, khu di tích lưu niệm Trần Phú được mở rộng, xây dựng mới nhà trưng bày.

Nhà trưng bày với hơn 200 hiện vật, những kỉ vật về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú. Chúng ta có thể nhìn thấy phả hệ tiểu chi họ Trần từ đời thứ 15 đến đời thứ 18 trưng bày tại đây. Thân phụ của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ- quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát, quê ở Xã Dương Châu, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuy vậy, đồng chí Trần Phú lại được sinh ra tại phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên – nơi thân sinh ông làm giáo thụ vào năm 1904.

Lên 10 tuổi đồng chí đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống trong những năm tháng gian khổ để học tập.

Muà thu 1918, đồng chí Trần Phú bước chân vào trường Quốc Học Huế. Trong thời gian học tập ở đây đồng chí đã tìm đến các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những bậc lão thành cách mạng yêu nước. Đặc biệt đồng chí được thầy giáo là cụ Võ Liêm Sơn trực tiếp khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Tháng 9 năm 1922, sau khi thi đỗ Thành Chung, Trần Phú về dạy học ở trường Cao Xuân Dục ở Vinh, trong thời gian này đồng chí có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước, lại được tiếp xúc với những tờ báo yêu nước như: “ Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú đã tham gia hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước như Hội Phục Việt, Hội Hưng Nam. Cũng trong thời gian này đồng chí thường về thăm quê, vừa ẩn danh hoạt động cách mạng.

Năm 1926, đồng chí là một trong những thành viên của Hội Hưng Nam sang Quảng Châu tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, được dự lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Đầu năm 1927, Trần Phú học tại trường Đại học Phương Đông ở Maxcơva. Lãnh tụ Nguyễn Ái quốc đã gửi thư tới chi bộ Đảng của trường giưói thiệu đồng chí Trần Phú làm bí thư chi bộ nhóm học sinh sinh viên Việt Nam.

Năm 1928 đồng chí tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI.

Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí từ Matxcơva qua Bỉ, Đức, Pháp rồi bí mật về tới Sài Gòn vào ngày 8/2/1930 mang theo kiến thức của một nhà lí luận.

Tháng 7 năm 1930, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung Ương Đảng lâm thời đồng thời được phân công dự thảo luận cương chính trị của Đảng.

Tháng 10/ 1930 tại Hội nghị lần thứ nhất BCH TW Đảng đồng chí đã trình bày bản Luận cương chính trị, được Hội nghị thảo luận nhất trí thông qua. Và quý vị có thể quan sát bản luận cương chính trị do đồng chí khởi thảo năm 1930 qua bao nhiêu mưa nắng của thời gian đến nay vẫn còn tươi rói.

Tuổi 26 đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí Thư đầu tiên của Đảng, sau đó vào Sài Gòn tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Giữa lúc phong trào đang lên, thì đồng chí bị bắt, bị địch tra tấn dã man và bệnh tật ngày càng nặng, đồng chí đã từ trần vào tuổi 27( năm 1931).

Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Núi Quần Hội thuộc thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, là nơi an táng đồng chí Trần Phú cùng thân phụ, thân mẫu, em trai Trần Ngọc Danh của đồng chí Trần Phú. Cách đây gần 80 năm, vào hồi 8h sáng ngày 6/9/1931 đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán dưới đòn roi tra tấn của kẻ thù. Thực dân Pháp đã chôn cất thi hài của ông ở khu công giáo nghĩa trang Đô Thành nay là công viên Lê Thị Riêng ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Gần 70 năm xa cách sau khi tìm thấy hài cốt đồng chí Trần Phú, tại Dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, sáng 12/1/1999 Đảng và Nhà Nước đã tổ chức long trọng lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí từ Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương. Chiều ngày 12/1/1999 hài cốt đồng chí Trần Phú được đưa về tới Vinh bằng máy bay, và đưa về quê hương, chính là trên ngọn núi này để an táng.

Mộ đồng chí Trần Phú
Mộ đồng chí Trần Phú

Phần mộ đồng chí Trần Phú được đặt trên ngọn núi Quần Hội. Phía trước là dòng sông Ngàn Sâu và bến Tam Soa chảy quanh như  ôm lấy ngọn núi, xa xa là dãi Thiên Nhẫn, hai bên tả hữu đều có núi bao bọc tạo nên một địa thế rất đẹp.

Phần mộ đồng chí được khởi công xây dựng từ ngày 8/1/2000 trải qua 3 giai đoạn cho đến nay đã hoàn thành như quý vị có thể nhìn thấy. Khu mộ có diện tích rộng chừng 7ha, trong đó 5 ha là phần đồi và gần 2ha là khu vực hồ. Kinh phí xây dựng được huy động từ các nguồn của ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ban tài chính quản trị trung ương và của tỉnh Hà tĩnh.

Phần mộ của 2 cụ song thân của đồng chí Trần Phú, thân phụ Trần Văn Phổ và thân mẫu Hoàng Thị Cát cũng nằm trong khuôn viên này. Hài cốt của họ được tìm thấy ở Quảng Ngãi và được an táng tại quê hương năm 1999.

Phía bên phải núi Quần Hội là mộ đồng chí Trần Ngọc Danh- em trai của đồng chí Trần Phú, người con thứ 8 trong gia đình. Đồng chí Trần Ngọc Danh nguyên là uỷ viên Trung ương Đảng đại biểu quốc hội khoá I. Ông kết hôn cùng bà Thái Thị Liên và sinh được 2 người con, một trai một gái. Hài cốt của đồng chí Trần Ngọc Danh được tìm thấy tại thôn Nà cốc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang và được đưa về an táng tại quê hương năm 1999.

Chỉ dẫn:

* Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Bắc 30km đến thị xã Hồng Lĩnh, rẽ trái theo quốc lộ 8A 18km tới thị trấn Đức Thọ, đi tiếp 2km là đến Khu di tích Trần Phú.

* Liên hệ : 0239 3831 411

* Điểm du lịch lân cận : Từ khu di tích Trần Phú đi về phía Bắc 2km là đến nhà thờ Phan Đình Phùng; từ thị trấn Đức Thọ theo quốc lộ 8A 1km để đến mộ Phan Đình Phùng, rẽ 3km theo đường 28  tới chùa Am.

Tác giả bài viết: Trung tâm QBXT Văn hóa – Du lịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *