Đền núi Trúc nằm giữa lưng chừng núi Hồng Lĩnh, thuộc thôn Trung Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tên gọi núi Trúc là sự ngẫu hứng trong dân gian vì vùng này ngày xưa trúc mọc thành rừng rất đẹp mắt, cả rừng trúc mênh môn g, ngút ngàn và xanh mướt bao phủ ngọn núi này. Đây là một di tích có từ lâu đời và khá nổi tiếng. Xung quanh di tích có nhiều truyện kể, truyền ngôn đã trở thành huyền thoại cho sự linh thiêng của đền. Không những thế, đây còn là một di tích có tiềm năng lớn về du lịch, nếu chúng ta biết cách khai thác, phát huy thì sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách.
Không ai còn nhớ rõ ngôi đền được xây dựng chính xác vào thời điểm nào, nhưng qua kiến trúc còn để lại có thể xác định được đền được xây dựng khoảng vào thời nhà Nguyễn. Trải qua sự biến thiên của thời gian và qua nhiều biến cố của lịch sử, đền đã có phần hư hỏng nên được trùng tu, tôn tạo khá nhiều lần. Lần tu sửa gần đây nhất là vào năm 1938.
Người dân địa phương vùng này còn để lại nhiều câu chuyện truyền ngôn khá thú vị xung quanh ngôi đền. Qua những câu chuyện kể đó đã phần nào minh chứng cho sự linh thiêng của ngôi đền này.
Vào những năm 1938, khi đền có một số công trình xuống cấp, cụ Mục Kiền – một người dân địa phương vùng này đã chủ động vận động người dân quyên góp tiền để tu sửa lại. Đầu tiên, cụ tập hợp hội người cao tuổi, bàn bạc, lấy ý kiến và đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Nhờ khả năng vận động và quan trọng nhất là cái “tâm” thành của mình, cụ đã vận động được sức người, sức của để sửa sang lại những chỗ đã hư hỏng. Một sự kì lạ đó là, trước khi tu sửa đền này, cụ Mục Kiền không có con trai. Mặc dù đã cầu xin tứ phương nhưng vẫn không có kết quả. Khi tưởng đã bất lực, thì cụ cầu xin điều ước nguyện của mình tại đền núi Trúc. Và kết quả là, khi đền được tu sửa xong thì vợ cụ mang thai và sinh được một người con trai khỏe mạnh, thông minh. Gia đình cụ rất vui mừng, đặt tên là Hoàng Đức. Hiện nay, ngôi đền cũng là nơi cầu tự rất linh thiêng.
Trong thời kỳ kháng chiến, đền núi Trúc là một địa điểm hoạt động cách mạng khá lí tưởng. Nơi đây rừng núi um tùm, cây cối rậm rạp nên rất phù hợp để làm nơi họp bàn các cuộc họp quan trọng. Giai đoạn 1930 – 1931, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp chi bộ quan trọng của chi bộ Song Tây và chi bộ Song Nguyên. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, nhiều vùng bị bom đạn tàn phá rất dữ dội. Nhưng chính vì địa điểm linh thiêng của ngôi đền hay chính vì được thần phù hộ, che chở mà vùng này gần như không bị ảnh hưởng bởi sự hủy hoại của bom đạn. Không những thế, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là địa điểm hoạt động cách mạng, ngôi đền vẫn chưa một lần bị trúng đạn. Dân làng ở đây tin rằng, đó chính là nhờ thần phù hộ, che chở. Chính vì thế, ngôi đền càng tăng thêm sự linh thiêng, uy nghi vốn có.
Vào những năm 1980, dân làng vùng này chứng kiến nhiều hiện tượng lạ tại ngôi đền. Đó là vào ban đêm, những người đi săn về khuya thường nhìn thấy đốm sáng lạ, bay cao từ hướng Đông về khu vực ngôi đền, tạo nên một đốm sáng lạ kéo dài khoảng 1 mét. Khi đó, cả ngôi đền sáng rực như có hàng chục bóng điện thắp sáng. Ánh sáng đó rực rỡ, rõ nét và tắt sau khoảng 5 phút. Dân làng tin rằng, đó chính là thần hiển linh để phù hộ nhân dân có cuộc sống yên ấm, đủ đầy.
Theo truyền thuyết, tại vùng này xưa kia có một con tà thường xuyên về quấy nhiễu nhân dân. Nhờ cầu khấn tại đền nên vị thần ở đây đã bắt và lập ngục tà, chính vì thế nhân dân vùng này mới có cuộc sống yên ổn.
Những huyền thoại đó, nửa hư nửa thực đã tạo nên sự huyền bí, linh thiêng tại ngôi đền nhỏ nép mình dưới chân núi Hồng thơ mộng.
Tiềm năng du lịch tại đền núi Trúc
Cương Gián vốn là vùng đất phong cảnh hữu tình, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là núi non hùng vĩ. Đây là vùng đất vốn ẩn chứa nhiều tiềm năng về du lịch. Đền núi Trúc là một trong những di tích có tiềm năng lớn ấy.
Đền nằm trong khu rừng trúc xanh mướt. Trúc núi Hồng không chỉ đi vào thơ ca, sách vở mà đã đi vào huyền thoại bởi vẻ đẹp nên thơ, kì vĩ. Chính vì thế, ngôi đền vốn đã đẹp, đã nổi tiếng linh thiêng, khi hòa mình vào bức tranh ấy càng đẹp hơn, thơ mộng hơn.
Cảnh đẹp của ngôi đền không chỉ ở nằm ở vị trí của nó, mà khi đến đây, du khách còn như lạc vào một khu du lịch trên đường vào núi.
Từ đường liên thôn, du khách đi bộ theo đường ven núi vào đền. Trên đoạn đường này có một con suối quanh năm nước không bao giờ cạn. Vào mùa hè, nước suối trong vắt, mát rượi. Không những thế, dòng chảy của con suối còn rất đẹp, không quá dốc đứng cũng không quá bằng phẳng. Nhìn từ xa, dòng chảy ấy như một dòng thác nhỏ, uốn lượn chảy từ trên đỉnh núi xuống. Khung cảnh đó, thoạt nhìn chúng ta có cảm giác như đã gặp trong các bài thơ, bài tản văn viết về thiên nhiên đất Việt.
Tại vị trí con suối này, có những tảng đá được thiên nhiên ưu ái đặt trong lòng suối. Những tảng đá lớn, có bề mặt bằng phẳng là địa điểm khá hấp dẫn để du khách dừng chân nghỉ ngơi, hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn. Vào mùa hè, địa điểm này thu hút khá nhiều du khách đến tham quan, ngắm cảnh và tổ chức những buổi dã ngoại. Ở giữa lòng suối, trước mặt là đất trời bao la, sau lưng là núi non hùng vĩ, con người cảm thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm để có thể thư giãn, trút bỏ những muộn phiền, lo lắng trong cuộc sống.
Địa điểm tọa lạc của ngôi đền cũng là một vị trí lí tưởng về du lịch. Ngôi đền tựa lưng vào núi, nằm giữa rừng cây xanh mướt, ngút ngàn. Trước mặt đền là hồ nước rộng mênh mông, nước trong vắt. Ở hồ này, quanh năm không bao giờ cạn nước. Đặc biệt, khi bước chân ra khỏi cổng đến du khách chạm chân ngay đến mặt hồ. Vào mùa hè, mặt hồ phẳng lặng, nước trong xanh, không chút gợn sóng. Mùa đông, ở đây sương mờ giăng đầy đỉnh núi, bao phủ cả ngôi đền; từ vị trí mặt hồ, hơi sương và khói sóng hòa lẫn vào nhau, cuộn lên khiến du khách như chìm vào thế giới nửa hư, nửa thực. Thoạt nhìn từ xa, đây đúng là một bức tranh thiên nhiên kì ảo. Khi lại gần, con người thực sự được hòa mình cùng với thiên nhiên, để cảm nhận đến tận cùng sự bé nhỏ của mình trước đất trời rộng lớn, cảm nhận đến tận cùng chiều sâu của vẻ đẹp đất trời.
Đền núi Trúc đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh. Nắm bắt được những thế mạnh của đền, cùng với nhiều biện pháp đồng bộ, chúng ta có thể khai thác được tiềm năng du lịch nơi đây, từng bước phát triển hơn nữa về du lịch tỉnh nhà.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Đức
Có thể bạn quan tâm
Về với Nghi Xuân
Thông xe cầu Cửa Hội nối 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh
Cam bù Hương Sơn