Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hà Tĩnh, Lộc Hà là một huyện mới, thành lập năm 2007, được sát nhập bởi 7 xã của huyện Can Lộc và 6 xã của huyện Thạch Hà. Tuy là một huyện ven biển song Lộc Hà lại được trọn hưởng sự phong phú của điều kiện tự nhiên, mang đầy đủ nét đặc trưng bao gồm cả đồi núi, đồng bằng và biển cả. Điều này, tạo nên lợi thế tiềm năng du lịch lớn cho địa phương.
Lộc Hà cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 18km về phía Đông Bắc, theo đường tỉnh lộ 9 và đường 22/12. Với lợi thế tiềm năng thiên nhiên ban tặng, nơi đây có một hệ thống di tích danh thắng phong phú và đa dạng gắn liền với biển như chùa Chân Tiên, đền Lê Khôi, chùa Kim Dung, biển Xuân Hải… và nơi đây còn nổi tiếng với các làng nghề làm muối ở Hộ Độ, nghề làm dầu lạc ở xã Thạch Châu; nghề làm hương, làm nón, chổi ở xã Thạch Mỹ…
Quả không sai khi cho rằng hệ thống di tích, danh thắng của huyện Lộc Hà hết sức đa dạng và đặc sắc bởi sự gắn kết. Bắt đầu từ đền vua Mai qua chùa Trúc Lâm Thanh Lương đến đình Đĩnh Lữ, sang chùa Chân Tiên với Hồ Tiên đầy thơ mộng, xuôi về Kim Dung trên núi Bằng Sơn tọa lạc ven biển Xuân Hải và ghé đền Lê Khôi trên đỉnh Long Ngâm trên núi Nam Giới… Hãy đến Lộc Hà, du khách sẽ có cơ hội khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp riêng có của vùng đất này!
phối cảnh Quảng trường Mai Thúc Loan
Về Lộc Hà, ghé thăm xã Mai Phụ nơi có đền thờ Mai Thúc Loan – vị hoàng đế của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống lại ách đô hộ nhà Đường vào những năm 713 – 722. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do ông lãnh đạo nổ ra vào tháng 4, năm Quý Sửu, đánh đuổi quân giặc giải phóng cả một vùng Châu Diễn, Châu Ái rộng lớn. Đến năm 722, quân Đường quay trở lại đàn áp cuộc khởi nghĩa, quân của Mai Hắc Đế bị vây hãm, vua Mai chạy vào rừng rồi mất ở đó. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân xã Mai Phụ đã lập đền thờ ông ngay tại quê nhà. Với mục đích bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản văn hóa, vừa qua tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trương đầu tư, xây dựng quần thể văn hóa lịch sử Mai Hắc Đế, gồm đền thờ, tượng đài và quảng trường tại Lộc Hà. Đây là một di tích văn hóa linh thiêng, xứng đáng với tầm vóc, vị thế của một vị vua đã có công lớn đối với quê hương, đất nước.
Cũng như đền vua Mai, đình Đĩnh Lữ là địa chỉ đỏ trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, đình ở xã Tân Lộc, được nhân dân địa phương xây dựng để tưởng nhớ công ơn của vị tướng chống giặc ngoại xâm Nguyễn Xí. Trước đây, đình Đĩnh Lữ là nơi tập trung các danh sĩ yêu nước trong vùng để bàn cách chống Pháp, là nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng và đây cũng là địa điểm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sớm nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Ngày nay, đình Đĩnh Lữ được tôn tạo khang trang, sạch đẹp, trở thành nhà truyền thống, nơi tổ chức các ngày lễ lớn của huyện Lộc Hà cũng như của tỉnh Hà Tĩnh.
…“Tùng sơn địa thăng lưu tiên tích
Hồ Thủy Thiên Quang ánh phật đường
Sa môn bất tử đường như dân
Thạch thất do tuyên Hán dĩ lai”.
Đây là bốn câu đối trước cửa chùa Chân Tiên. Chùa Chân Tiên thuộc xã Thịnh Lộc, chùa được xây dựng vào thời nhà Trần, tọa trên núi Tiên Am, nằm cuối dãy Ngàn Hống. Đây là di tích thờ Đức Thánh Mẫu và Phật tổ Thích Ca Mầu Ni. Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức vào ngày 03/03 (ÂL) là ngày kỵ của Đức Thánh Mẫu, được nhân dân địa phương long trọng tổ chức hàng năm nhằm ghi công các bậc tiền nhân trong sự nghiệp dựng và giữ nước và cầu cho phúc thái dân an.
Từ trên chùa nhìn xuống là những rừng thông xanh trùng điệp, du khách khi tới đây sẽ bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những truyền thuyết, huyền thoại về dấu chân tiên, bàn cờ tiên, bàu tiên, nền Sơn Tinh, nền Hoàng Thạch… Chùa Chân Tiên không chỉ là chốn linh thiêng mà còn là nơi có cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ thu hút du khách tới chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn.
…“Bằng Sơn chùa cổ tình non nước
Sót hải đền xưa nghĩa đá vàng…”
Bằng Sơn – dãy núi nổi lên giữa vùng đồng bằng ven biển Lộc Hà, là dãy núi huyền bí gắn liền với nhiều sự tích được lưu truyền từ bao đời về khe Hương, khe Bầu, đá Ông, đá Mụ, đá Muỗng, đá Trống… là nơi táng mộ tổ quận công Nguyễn Hữu Chỉnh.
Nổi bật giữa lưng chừng núi Bằng Sơn là di tích chùa Kim Dung. Chùa được xây dựng từ đời Trần. Tương truyền thời Trần, Hưng Đạo Vương kinh lý phía Nam qua đây thấy cảnh đẹp nên đã dừng thuyền ngắm cảnh, uống rượu và chơi cờ. Cũng theo tài liệu để lại thì trước đây, chùa Kim Dung là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật, đỉnh Bằng Sơn luôn rực rõ cờ đỏ búa liềm. Bằng Sơn đã trở thành một biểu tượng cách mạng oai hùng, là niềm tự hào của người dân xã Thạch Bằng.
Chùa Kim Dung tọa lạc trên sườn núi Bằng Sơn, là di tích danh thắng nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và linh thiêng, phù hợp cho loại hình du lịch văn hóa tâm linh gắn với loại hình du lịch sinh thái. Lễ hội chùa Kim Dung được tổ chức vào ngày 14, 15/3 ÂL hàng năm, quy mô hoành tráng với nhiều nghi thức tế lễ tại chùa gồm có lễ rước kiệu rồng từ chùa Xuân Đài lên chùa Kim Dung, thỉnh chuông, cung nghinh Hòa thượng cầu quốc thái dân an và diễn ra cả các hội thi như kéo co, chọi gà, cờ thẻ, cắm trại… Vì vậy, đây là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện tham gia.
Xuôi về phía bắc đến đền Chiêu Trưng, cùng du ngoạn núi Nam Giới. Đền Chiêu Trưng thờ Lê Khôi – anh trai thứ 2 của Lê Lợi, ông đã có công trong việc đắp đập khai hoang, lập làng, phát triển nông nghiệp. Năm 1446, Lê Khôi phụng mệnh vua Trần Nhân Tông đi đánh Chiêm Thành, trên đường trở về ông bị bệnh nặng và qua đời ở Cửa Sót, ngay dưới chân núi Nam giới. Thi hài của ông được an táng ở chóp núi Long Ngâm. Để ghi nhớ những cống hiến của ông, triều đình đã cho lập đền thờ tại đây. Hàng năm, vào ngày 1- 3/5 ÂL, tại đây lại tổ chức lễ giỗ ngài Lê Khôi để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng trong lịch sử chống quân Minh xâm lược. Đến đền Chiêu Trưng, du khách không chỉ đến với lễ hội mà còn được chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn danh thắng Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên – núi Nam Giới – Cửa Sót, gắn liền với sự tích Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.
Ngoài các điểm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển cũng được xem là một trong những thế mạnh của du lịch Lộc Hà với nhiều bãi tắm đẹp. Biển Thạch Bằng sở hữu bãi cát trắng, mịn và bằng phẳng, sóng nhẹ, nước trong xanh, độ mặn vừa phải. Nằm khá xa khu dân cư nên biển rất sạch và còn mang đậm nét hoang sơ.
Với lợi thế ở vị trí trung tâm huyện, bãi tắm Xuân Hải nằm ngay trên cung đường 70 tiếp nối đường tỉnh lộ 9 từ thành phố Hà Tĩnh về tận biển. Về Xuân Hải, du khách có thể đến từ nhiều hướng: hướng từ Cẩm Xuyên theo quốc lộ ven biển qua cầu Thạch Đỉnh tới Lộc Hà (khoảng 15km), hướng từ ngã ba đường tránh Thạch Long – Thạch Hà (khoảng 7km), từ thành phố Hà Tĩnh thẳng theo đường Tỉnh lộ 9 qua cầu Hộ Độ (khoảng 9km), hoặc từ đường 22/12 hướng Nghi Xuân thẳng về trung tâm huyện, tất cả đều có điểm gặp trên cung đường 70 xuôi về tận bãi tắm, thật thuận tiện. Đến đây, du khách được thong dong tản bộ trên bờ cát phẳng mịn, hít thở không khí trong lành, được thả mình trong làn nước mát trong vắt, tâm hồn thật thư thái… Nơi đây chính là sự kết hợp hoàn hảo của tạo hóa, biển và núi như hòa quyện vào nhau.
Không chỉ thuận lợi về giao thông và bãi tắm đẹp, nơi đây còn có nguồn thủy hải sản phong phú như các loại cá, cua, tôm, mực… được đánh bắt từ biển Thạch Kim; hến Mai Phụ, vẹm xanh, hàu lệ Thạch Châu, sò lông, sò huyết Thịnh Lộc… là nguồn thực phẩm biển tươi sống dồi dào đủ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách.
Với tổng chiều dài bờ biển trên 12km, sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch biển với tổng quy mô 400 ha, trong đó, 150 ha dịch vụ và 250 ha khu du lịch cao cấp, huyện Lộc Hà đã tận dụng tối đa lợi thế, tập trung nguồn lực xây dựng bãi biển Xuân Hải trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa. Những năm trở lại đây, cứ đến dịp nghỉ lễ 30/4, UBND huyện Lộc Hà lại tổ chức lễ khai trương mùa du lịch biển. Như thường lệ, năm nay từ ngày 20 – 24/4, UBND huyện Lộc Hà lại tổ chức Lễ khai trương Tuần văn hóa du lịch Lộc Hà 2016. Đây là sự kiện quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, hình ảnh con người và vùng đất Lộc Hà đến du khách trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư vào huyện Lộc Hà; liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch, nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch của địa phương.
Ngoài chỉnh trang, tu sửa các công trình và dọn dẹp vệ sinh môi trường trên khu vực bãi biển, xã Thạch Bằng đã thành lập tiểu ban quản lý với lực lượng thường trực nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách tại bãi biển. Với 2 cơ sở lưu trú có khoảng 100 phòng nghỉ, gần 20 nhà hàng và 30 hộ kinh doanh dịch vụ dọc bờ biển, bãi biển Xuân Hải đã và đang phát huy lợi thế, dần khẳng định vị thế của mình và trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong mùa du lịch biển.
Với tiềm năng du lịch phong phú, vị trí thuận tiện dễ dàng trong việc di chuyển, cùng sự quan tâm chung sức của các ban ngành, trong tương lai không xa, Lộc Hà sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh nhà.
Tác giả bài viết: Tú Quỳnh
Có thể bạn quan tâm
Về với Nghi Xuân
Thông xe cầu Cửa Hội nối 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh
Cam bù Hương Sơn