Ngược dòng Lam Giang

Đăng lúc: Thứ ba - 28/11/2017 09:29 - Người đăng bài viết: lehoa
Sông Ngàn Cả, sông Cả, Lam Giang, Thanh Long Giang, Lam Thủy hay sông Lam thực ra vẫn chỉ là những cái tên để gọi cho một dòng sông ở Hà Tĩnh. Có lẽ hiếm có con sông nào của Việt Nam lại có nhiều cái tên đẹp đến như thế.
Núi Hồng Sông Lam - Ảnh Sách Nguyễn

Núi Hồng Sông Lam - Ảnh Sách Nguyễn

“Dòng sông ai đã đặt tên…”

Giờ đây, cái tên sông Lam đã được mặc định và nhắc đến rất nhiều trong những giai điệu ngọt ngào và những vần thơ da diết. Con sông hiền hòa ngày đêm không ngủ miệt mài tắm mát cho cả một vùng  địa linh nhân kiệt Lam Hồng đã trở thành biểu tượng gắn liền với hồn cốt của một phần khúc ruột miền Trung.

Con sông Lam được tạo thành bởi 2 con sông nhỏ là Nậm Nơn và Nậm Mộ thuộc về huyện Xá Lượng và Tương Dương, một dòng có màu nước đỏ như gạch và một dòng trong xanh chảy về từ đầu nguồn bên kia biên giới nước bạn Lào. Chuyện kể rằng, trước kia hai con sông thực ra chỉ là hai dòng suối nhỏ, trải qua bao thăng trầm của biển đổi thiên tai và sự chỉ đạo của mẹ thiên nhiên, hai dòng suối lớn dần thành 2 con sông và nhập vào làm một, chảy qua các huyện Con Cuông, Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên trước khi hòa mình vào biển lớn.

Nhắc đến Hà Tĩnh, chắc hẳn ai cũng nhớ tới Ngã Ba Đồng Lộc, khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du, bãi biển Thiên Cầm, cửa Sót… nhưng nếu không một lần ghé bến Giang Đình, thử lênh đênh trên du thuyền thưởng ngoạn sông Lam, ngắm cầu Bến Thủy thì e rằng chưa thể gọi là đủ để cảm hết vẻ đẹp của Hà Tĩnh. Mỗi khúc sông là một câu chuyện kể, thì thầm vọng lại từ ngàn xưa những chiến công hào hùng của lịch sử còn ghi dấu lại mà nghe đến đâu lại thấy thêm tự hào và thân thương quá đỗi.

Một lần ngược dòng sông Lam trong xanh thơ mộng, chuyện trò với những người con Hà Tĩnh với chất giọng kể như thủ thỉ, như dỗ dành và thưởng thức những làn điệu dân ca trữ tình dí dỏm mà da diết mới cảm nhận được hết vì sao con sông lại đi vào thơ ca với những giai điệu ngọt ngào đến thế. Lẫn trong nắng và gió mơn man là những giọng hò làm thức dậy cả một dòng xanh mát, những ánh mắt trao nhau đầy trìu mến, những ly rượu sóng sánh mềm môi như say, như tỉnh bởi vẻ đẹp của đất trời, của lòng người. Những xóm chài bình yên thoắt ẩn thoắt hiện sau những rặng tre bên bãi bồi, những bãi đá nằm hiên ngang giữa ngã ba sông, những con thuyền nhỏ chạy ngược chạy xuôi… Dòng chảy của nhịp sống trên dòng Lam cứ thản nhiên trôi không quá vội vàng nhưng sống động và bình yên đến vô thường.

Biểu diễn ca trù trên du thuyền Giang Đình Cổ Độ

Nhịp xuôi bến mới

Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Song Ngư Sơn Giang Đình chia sẻ: Mặc dù mô hình du thuyền sông Lam mới đi vào hoạt động nhưng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, nhân dân huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh. Khách du lịch sau khi được tham gia trải nghiệm đã đánh giá rất cao và lượng khách tìm đến với du thuyền Giang Đình Cổ Độ đang ngày một tăng đặc biệt là khách đến từ Hà Nội.

Là một người con của miền Trung, ông mong muốn được góp phần đẩy mạnh du lịch tỉnh nhà thông qua việc khôi phục lại bến Giang Đình Cổ Độ, một địa danh lịch sử nhiều ý nghĩa văn hóa của Hà Tĩnh đồng thời mong muốn góp phần khôi phục, gìn giữ và phát triển những giá trị của ca trù Cổ Đạm và dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh – một trong những di sản phi vật thể quốc gia quý giá của nước nhà.

Theo dự kiến, tour du thuyền sông Lam kết hợp du lịch tâm linh sẽ sớm đưa vào khai thác. Điểm đầu từ bến Giang Đình, điểm cuối là đền Củi (Đền Ông Hoàng Mười), khoảng cách giữa 2 điểm dài 13km đường sông và trên đường đi du khách sẽ được ghé thăm 2 điểm là cụm Cầu phao Bến Thủy và Đền vua Quang Trung.

Đến Hà Tĩnh, trải nghiệm du thuyền sông Lam sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc hơn về vùng địa linh nhân kiệt. Một nét chấm phá mới trong bản đồ du lịch Hà Tĩnh đã được đánh dấu và chắc chắn sẽ đọng lại những cảm xúc khó phai mờ. 


Nguồn tin: baodulich.net.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 502
  • Tổng lượt truy cập: 30390710