Lễ hội đầu năm tại Hà Tĩnh

Đăng lúc: Thứ hai - 07/09/2015 10:14 - Người đăng bài viết: lehoa
Mùa xuân - mùa khởi đầu một năm mới, mùa của đoàn tụ và cũng là mùa của lễ hội. Lễ hội được coi là nét văn hóa độc đáo lâu đời không thể thiếu của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 8.000 lễ hội, riêng Hà Tĩnh hiện có 67 lễ hội được duy trì và diễn ra dàn trải trong năm. Nếu có dịp đến với Hà Tĩnh – mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, du khách không nên bỏ qua các lễ hội sau đây.

Lễ hội Chùa Hương Tích
 

 
Chùa Hương Tích thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, được mệnh danh là “Hoan châu đệ nhất danh lam”, gắn với tích Công chúa Diệu Thiện- con gái Sở Trang Vương tu hành hóa phật. Trước đây, hội chùa Hương vào ngày 18 tháng 02 âm lịch nhưng những năm gần đây thì hội chùa bắt đầu từ ngày 06 tháng 01 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian đặc sắc đậm chất truyền thống như: Lễ dâng hương, Lễ khai hội, hội thi đấu vật, kéo co, chọi gà... Lễ hội Chùa Hương hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới thắp hương, vãn cảnh.

Lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng (Lễ rước sắc phong Vua Hàm Nghi)
Lễ rước sắc phong Vua Hàm Nghi diễn ra vào ngày 07 tháng 01 âm lịch hàng năm, là lễ hội truyền thống của người dân huyện Hương Khê. Lễ bàn giao báu vật của Vua Hàm Nghi gồm: voi bằng vàng, nghê bằng đồng, các thanh bảo kiếm, lục lạc bằng đồng đen, 39 đạo sắc phong do các triều vua ban tặng… Đoàn rước khởi hành từ nhà cố đạo cũ đi qua các đền Trầm Lâm, khu di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi, đền Cộng Đồng rồi đến nhà cố đạo mới. Tại đây, cố đạo mới cùng các đệ tử làm lễ khai hạ cầu cho dân làng, nước nhà an khang thịnh vượng trong năm mới.

Lễ hội Đền Bích Châu
 

 
Đền Bích Châu hay còn gọi là đền Hải Khẩu hay là đền Chế Thắng phu nhân, thuộc địa phận xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh. Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của vua Trần Duệ Tông. Hội đền tổ chức vào ngày 12 tháng 02 âm lịch. Trong dịp đầu năm mới, nhân dân khắp nơi đến đền Bích Châu cầu tài, cầu lộc rất đông đúc.

Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi
Đền Chiêu Trưng còn gọi là đền Võ Mục Đại vương, thờ danh tướng Lê Khôi. Đền thuộc xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Đền Chiêu trưng là một trong 4 ngôi đền cổ, đẹp nhất của vùng đất Nghệ Tĩnh xưa. Hội đền diễn ra từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 5 âm lịch.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Để tỏ lòng tri ân sâu sắc Đại danh y của dân tộc, năm 2015, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sẽ được tổ chức từ ngày 06 đến 15 tháng 01 âm lịch với chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, y tế… Năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, gắn liền sự kiện Khai trương năm Du lịch Hà Tĩnh 2015. Các sự kiện chính sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng 01 âm lịch. Lễ hội có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh bậc tổ nghề y của dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Đô Đài Bùi Cầm Hổ
Đền Đô Đài thờ quan Đô Đài Ngự Sử Bùi Cầm Hổ, thuộc phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Lễ hội Đô Đài là một trong những lễ hội lớn đã có từ xưa của vùng Nghệ Tĩnh. Lễ hội còn có tên “Lễ Báo ân”, được tổ chức vào ngày 12 tháng 01 âm lịch (ngày giổ) hằng năm với những nghi thức như rước cỗ, chầu hầu, yết bái và đại tế diễn ra trong 1 ngày 1 đêm. Đại lễ hội 50 năm tổ chức 1 lần.

Lễ hội chùa Chân Tiên
Chùa Chân Tiên tọa lạc trên núi Tiên An, thuộc xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng quần thể tự nhiên đầy quyến rũ như: Giếng Tiên, Bàu Tiên, Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Đá Ông, Đá Bà, Dấu Chân Tiên và Bàn Cờ Tiên.  Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch.

Lễ hội đua thuyền ở phường Trung Lương
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 03 - 04 tháng 01 âm lịch. Đây là Lễ hội truyền thống trên dòng sông Minh, thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Lễ hội là dịp để bà con trong và ngoài làng giao lưu, gặp gỡ đầu xuân và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngoài ra, du khách có thể tham gia các lễ hội khác diễn ra trong năm như:  Lễ hội đánh cá Đồng Hoa (tháng 4 AL tại Xuân Viên, Nghi Xuân), Lễ hội cầu ngư (ngày 08/4 AL tại xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên), Lễ hội Đồng Lộc (tháng 7 DL tại xã Đồng Lộc, Can Lộc), Lễ hội khai trương mùa du lịch biển Thiên Cầm (tháng 4 DL tại thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên)…
Dù các lễ hội khác nhau về mặt nghi thức, diễn ra vào thời gian không giống nhau nhưng ẩn chứa trong từng lễ hội là bản sắc văn hóa của từng vùng miền, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, sự cầu mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và viên mãn.
Tác giả bài viết: Lê Hoa
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 404
  • Tổng lượt truy cập: 30384007