Chùa Chân Tiên

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/03/2017 10:07 - Người đăng bài viết: lehoa
Chùa Chân Tiên (Chân Tiên tự) tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An, một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, được tôn xưng là “Tiên An đệ nhất danh lam”, nổi tiếng bởi khung cảnh nên thơ, hùng vỹ. Đây cũng là di tích thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992.

Chùa Chân Tiên được xây dựng vào đời nhà Trần (thế kỷ XIII). Chùa đã 3 lần được trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất là vào năm 2005. Hiện nay, chùa có 2 ngôi thờ Phật tổ và thờ Thánh Mẫu.

Chùa thờ Phật có diện tích 50,2m2, kiến trúc theo kiểu tứ trụ gồm 3 gian lợp ngói âm dương, 4 cột xây, tường bao 3 phía.

Chùa thờ Thánh Mẫu còn gọi là "Điện Thánh Mẫu" gồm Thượng điện, Trung điện (kiệu Long đình) và Bái đường có tổng diện tích 56m2. Trước cửa Thượng điện có đề 4 chữ Hán: "Thiên hạ mẫu nghi" (Người mẹ hiền trong thiên hạ) và hình chim phượng đang giang cánh bay lên. Giữa đỉnh nóc có hình mặt nguyệt. Bốn góc mái có hình rồng và hoa lá viền quanh. Trong điện trên mái sau có 3 chữ Hán: "Thượng Thánh cung" (cung của Thánh Thượng). Trung điện là nơi đặt đồ tế lễ và nơi hóa hương của khách đến viếng. Bốn đầu đao trên mái điện có 8 hình rồng. Trong điện có 8 con hạc chầu. Hai bên hành lang thờ bộ hạ của Thánh Mẫu có 2 con hổ phù. Nhà Bái đường trước có ba chữ Hán “Tạ Phúc đường” (nhà cầu phúc), bốn cột nhà đều có treo câu đối ca ngợi công đức Thánh Mẫu. Trong chùa Chân Tiên hiện có 14 tượng phật làm bằng gỗ mít, một bàn thờ, một lư hương, một hương án, trống, mõ...

Sự ra đời của ngôi chùa này gắn với những sự tích mang màu sắc huyền bí. Tương truyền, từ lâu lắm rồi, có một đoàn tiên nữ nhà trời, sau khi xin phép mẫu Cửu Trùng xuống thăm thú chốn hạ giới đã chọn đỉnh Tiên An làm nơi dừng chân. Bởi Tiên An lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, ngày đêm thông reo, cảnh vật hiền hòa lại còn có dòng suối Ngọc nước trong vắt bốn mùa, cảnh sắc không đâu đẹp hơn. Một số tiên nữ, sau khi vãn cảnh núi sông, hang động... đã cùng xuống hồ nước ngay phía trước núi để tắm, rồi lại rủ nhau lên một tảng đá cạnh hồ ngồi đánh cờ. Một số tiên nữ khác vì say sưa với cảnh hoa thơm cỏ lạ, suối nước trong xanh nên chẳng chịu rời đi. Một nàng tiên do mê mải đuổi theo con bướm vàng 6 cánh vô tình dẫm phải một cái lông nhím, chân bị đau, nàng không thể đi được nên phải dùng ngựa để về trời. Trước khi về, các nàng tiên khác đã dùng nước suối Ngọc để rửa chân cho nàng và gót ngọc đã in dấu trên mặt đá cùng dấu chân ngựa thần. Người dân nơi đây bèn xây chùa và đặt tên cho chùa là chùa Chân Tiên để ghi nhớ sự tích này.

Cũng theo truyền thuyết, thuở xưa có một nàng Tiên khi bị cha ép lấy chồng đã bỏ xứ sở thần tiên ra đi. Khi đi nàng lấy một cây Mai làm gậy. Nàng đi mãi, đi mãi đến núi Tiên An, bèn dừng lại rồi vùi cây Mai xuống đất và nó đã mọc thành một bụi Mai rậm rạp, xanh tốt. Hiện tại bụi Mai này vẫn quanh năm xanh tốt không kể mùa hè nắng nóng hay mùa đông lạnh giá. Có câu chuyện khác lại được truyền miệng trong dân gian rằng, hồi đó ở đây có ông Đùng (ông khổng lồ) sức khỏe phi thường, có tài chuyển núi, dời non. Một ngày nọ, ông vần tất cả những quả núi ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng Lĩnh. Tên các ngọn núi được đặt theo dáng hình của các loài thú như: Ngũ Mã (hình năm con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng… Một lần ông Đùng gánh 2 quả núi thì gãy đòn gánh nên bị ngã. Hai quả núi rơi xuống được người đời đặt tên là núi Tiên An và Rú Bờng (hay còn gọi là Bằng Sơn ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà ngày nay). Đòn gánh mà ông Đùng gánh hai quả núi kia tạo thành một dải cát vàng nối liền và là ranh giới giữa hai huyện Lộc Hà và Can Lộc. Tương truyền, thời vua An Dương Vương mở nước từng đặt chân đến nơi này. Không chỉ là nơi có “Tiên giáng trần” mà xung quanh ngọn núi này còn truyền lại trong dân gian nhiều câu chuyện cổ ly kỳ khác.

Bao quanh chùa là rừng thông tự nhiên trùng trùng điệp điệp xanh tươi bốn mùa. Núi Tiên An còn có nhiều động đẹp, như: Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Động Đá Người... và nhiều hang đá cổ như: hang đá Bàn Cờ, đá Giã Gạo, đá Cối Xay, đá Mười Hai Cửa... đặc biệt có đá Vợ, đá Chồng cao lớn sừng sững sánh đôi ngàn đời dưới chân núi, hướng mặt ra biển Đông. Dưới chân núi trước mặt chùa có Bàu Tiên và Bàn Cờ Tiên cùng các dấu tích như: Dấu chân ông Bành Tổ, vết chân Tiên nữ, vó Ngựa, suối Ngọc, giếng Tiên, thạch Kim Quy (đá rùa)…

Di tích lịch sử - văn hóa chùa Chân Tiên còn là địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng, là nơi liên lạc của các tổ chức Đảng trong thời kỳ 1930 - 1931. Tại địa điểm này, ngày 25 tháng 4 năm 1930, Chi bộ Yên Điềm, tiền thân của Đảng bộ xã Thịnh Lộc ngày nay được thành lập.

Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 03 tháng 3 âm lịch. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, sau phần dâng hương tế lễ là phần hội với các hoạt động giao lưu văn nghệ, đua thuyền trên Bàu Tiên, đấu vật truyền thống, bóng chuyền bãi biển, kéo co, đánh cờ thẻ, thả diều, cắm trại...
Đến đây, ngoài việc lễ chùa, du khách còn được giao lưu văn hóa - văn nghệ, từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh non nước hữu tình, tham quan các dấu tích gắn liền với những câu chuyện kỳ thú, tắm biển Thịnh Lộc, biển Xuân Hải và thưởng thức các món ăn đặc sắc của cư dân bản địa. Từ chùa Chân Tiên, du khách có thể đến tham quan một số di tích, danh thắng trong vùng như: Cảng cá Cửa Sót, chùa Kim Dung đền Lê Khôi...
Tác giả bài viết: Trần Đức Cường
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 451
  • Tổng lượt truy cập: 30366568