Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là 03 tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như Thành Nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh, Quê Bác, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nơi đây sở hữu nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm… thu hút đông đảo du khách về nghỉ dưỡng. Du lịch sinh thái đặc sắc, đa dạng như: Khu sinh thái Pù Luông, Vườn quốc gia Bến En, Khu du lịch sinh thái Phà Lài, Khu du lịch sinh thái Hồ Kẻ Gỗ,…
Đại biểu tham dự Hội nghị
Thời gian qua, ngành du lịch của 03 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực đầu tư lớn, cơ sở vật chất du lịch, các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú và đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện rõ rệt,… đã tạo nên diện mạo mới cho du lịch khu vực Bắc Trung Bộ. Hoạt động liên kết, phối hợp giữa 3 địa phương ngày càng được quan tâm. Năm 2022 là năm du lịch hoạt động trở lại sau một thời gian dài do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, cả 3 địa phương đã có sự bứt phá mạnh mẽ và đạt được kết quả ấn tượng vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Với thông điệp “Ba địa phương – Một điểm đến – Nhiều trải nghiệm”, 3 địa phương mong muốn Hội nghị lần này sẽ là hoạt động nhằm quảng bá, kích cầu du lịch để thu hút khách về với 3 địa phương ngày càng đông hơn.
Ông Lê Ngọc Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu với đại biểu một số sản phẩm
ẩm thực tiêu biểu của Hà Tĩnh bên lề Hội nghị
Tại Hội nghị, đại biểu đã được xem các video clip trình chiếu về tiềm năng du lịch 3 tỉnh, được nghe đại diện 3 địa phương giới thiệu về các sản phẩm dịch vụ mới và công bố những sự kiện văn hóa- du lịch tiêu biểu năm 2023. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đã có bài phát biểu giới thiệu về sản phẩm du lịch cũng như những gói kích cầu đến các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.
Đại diện Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn) giới thiệu sản phẩm dịch vụ của đơn vị
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Năm 2022, Việt Nam đón 101 triệu lượt khách du lịch nội địa, 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Kết quả thể hiện du lịch đã có sự phục hồi ấn tượng sau đại dịch COVID-19. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tuy nhiên ngành du lịch còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, chính vì vậy cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của từng địa phương. Có thể nói, đây là sự kiện truyền thông rất thiết thực thể hiện sự năng động, chủ động, tích cực liên kết và sáng tạo của 3 địa phương. Tổng cục trưởng mong muốn thời gian tới, 3 địa phương tiếp tục: Quan tâm liên kết, phối hợp đi vào thực chất để có hiệu quả; Nghiên cứu, đánh giá và cơ cấu lại thị trường; Tăng cường liên kết hoạt động xúc tiến quảng bá; Có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ông Bùi Xuân Thập – TUV, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh đại diện cho 3 địa phương đã có bài phát biểu cảm ơn về sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch, UBND 3 tỉnh và sự đồng hành của doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông của 3 địa phương. Trong thời gian tới, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hình thành sản phẩm du lịch mới, mở rộng thị trường du lịch, 3 tỉnh sẽ tiếp tục liên kết, phối hợp, luân phiên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, theo đó, năm 2024, Hà Tĩnh sẽ là địa phương chủ trì đăng cai sự kiện này.
Ông Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh bế mạc Hội nghị
Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch “ Ba địa phương – Một điểm đến – Nhiều trải nghiệm” không chỉ là sự kiện truyền thông du lịch của 3 địa phương mà còn là sự kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch 3 tỉnh giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội, nhằm mục đích khai thác tốt nhất thị trường khách phía Bắc đến với 3 địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Khu du lịch Đá Bạc Eco – điểm check-in hấp dẫn du khách
Du Lịch Hà Tĩnh – Viêng chăn – Parksan – Hà Tĩnh
Chùa Tượng Sơn – điểm du lịch văn hóa tâm linh