Núi Hồng – Hồng Lĩnh từ xưa được coi là biểu tượng của xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Núi Hồng Lĩnh với vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa đã sắp đặt cho vùng đất này, luôn là mạch nguồn vô tận cho sáng tạo thi ca nghệ thuật của biết bao bậc tao nhân mạc khách từ xưa đến nay. Ai chưa từng đến Núi Hồng một lần thì chưa biết hết xứ Nghệ.
Núi Hồng – Hồng Lĩnh có nghĩa là núi lớn, có diện tích khoảng 30km2 nằm trên địa bàn ba huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh. Tương truyền núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, ngọn cao nhất 678m, tùy theo hình dáng mà con người đặt tên cho các đỉnh núi như: Thiên Tượng, Ngũ Mã, Sư tử, Hàm rồng, Lập phong, lại có nhiều đỉnh được đặt tên theo truyền thuyết, cổ tích như: Rú Cơm, Rú Cà, Tháp Son, Hương Tích, Lão quân, Trần Soa, Liệt Sơn…
Núi Hồng Lĩnh có nhiều khe suối mặc dù không sâu nhưng không bao giờ cạn, nước ở đây trong vắt và chảy róc rách quanh năm. Có rất nhiều tên khe, tên núi nổi tiếng được dân gian lưu truyền và đi vào sử sách như: Khe Hạ Vàng, khe Hoa, khe Tượng, khe Hoàng ngưu, suối Tiên. Trên núi lại có các mạch nước ngầm tích tụ thành nhiều hồ tự nhiên như: Bàu Kim Cương nằm ở lưng chừng núi rộng đến 30 mẫu, có vực Thuồng Luồng sâu đến nổi dân gian truyền là không đáy, hồ Thiên Tượng, Bàu Tiên ở sát chân núi rộng hàng trăm mẫu quanh năm nước xanh trong vắt. Trong núi có tám dải đường truông dài ngắn, thông từ tây sang đông, từ bắc xuống nam, truông Cộng Khánh từ Kẻ Lách vào Kẻ Treo xưa là tượng lộ (đường voi chiến đi để tránh cầu), đây chính là con đường Truông Hống – Đò Cài ngày xưa Đại thi hào Nguyễn Du đi từ Tiên Điền sang Trường Lưu gặp gỡ bạn bầu giao lưu, nghe hát ví giặm.
Hồng Lĩnh không chỉ đẹp bởi núi non kỳ vĩ mà còn nổi tiếng bởi huyền thoại cổ tích như chuyện Ông Đùng hay Ông Khổng Lồ đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng Lĩnh. Ông Đùng còn đào quặng sắt ở Hồng Lĩnh và dạy cho dân các làng Minh Chàng – Minh Lương làm nghề rèn và được truyền cho đến ngày nay.
Theo truyền thuyết thì Hồng Lĩnh còn là kinh đô của nước Việt cổ – Việt Thường thị. Cũng theo truyền thuyết thì vua Kinh Dương vương trước khi mở nước đã xem phong cảnh Hồng Lĩnh, thấy núi non hùng vĩ nên đã chọn nơi đây làm Kinh đô. Tại đây, Kinh Dương vương đã kết duyên cùng Thần Long về sau sinh ra Long Vương (tức Lạc Long Quân). Dẫu đó là truyền thuyết nhưng đã khắc vào ngọn núi này những dấu ấn lịch sử thật sâu đậm. Ngoài ra, xung quanh vùng đất này thời gian gần đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học từ thời đại đồ đá mới, đồ đồng và đồ sắt đã cho thấy từ rất xa xưa vùng đất này đã có cư dân Việt cổ sinh sống. Theo dòng lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, Hồng Lĩnh đã chứng kiến biết bao sự kiện bi hùng, tích tụ khí chất của con người xứ Nghệ để trở thành một vùng văn hóa – Văn hóa Hồng Lam.
Hồng Lĩnh ngày nay vẫn sừng sững uy nghi như hàng triệu năm trước, trấn giữ phong ba cho vùng đất Hà Tĩnh. Điểm xuyết cho cảnh trí thiên nhiên còn là những công trình nhân tạo, trên núi Hồng Lĩnh có những di tích lịch sử văn hóa vô giá, nhiều ngôi chùa nổi tiếng đến nay như: chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Chân Tiên. Bao quanh dãy núi Hồng Lĩnh là những làng quê nổi tiếng và ở đó từ bao đời nay luôn xuất hiện những danh nhân kiệt xuất làm rạng danh đất và người Hà Tĩnh như: cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy, Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
Người dân Hà Tĩnh hôm nay đang tô điểm thêm cho cảnh sắc Hồng Lĩnh, dưới chân núi là các khu đô thị, làng mạc được hình thành dân cư đông đúc kinh tế văn hóa phát triển. Đến với danh thắng núi Hồng Lĩnh, du khách được trải nghiệm khám phá một vùng đất có nhiều cảnh đẹp, di tích văn hóa lâu đời, chắc chắn sẽ lưu lại những ấn tượng sâu sắc, một nét chấm phá mới trong bản đồ du lịch Hà Tĩnh.
Du khách khám phá núi Hồng Lĩnh qua các tour như:
Thành phố Hà Tĩnh – Thạch Hà – Can Lộc – Hồng Lĩnh – Nghi Xuân; Thành phố Vinh – Nghi Xuân – Hồng Lĩnh. Các điểm tham quan gồm: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (TP. Hà Tĩnh) – Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Thạch Hà) – Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích (Can Lộc) – Suối Tiên, Chùa Thiên Tượng, Chùa Long Đàm, Chùa Hang (Hồng Lĩnh) – Đền Chợ Củi, Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu du lịch sinh thái Đức Đường, Trang trại du lịch sinh thái Bình Mỹ, Biển Xuân Thành (Nghi Xuân), Chùa Chân Tiên (Lộc Hà).
Tác giả bài viết: Võ Đình Thi
Có thể bạn quan tâm
Về với Nghi Xuân
Thông xe cầu Cửa Hội nối 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh
Cam bù Hương Sơn