Trên đường từ Bắc vào Nam , theo quốc lộ 1A qua cầu Bến Thủy là bạn đã đặt chân đến huyện Nghi Xuân thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Nằm cách trung tâm TP. Hà Tĩnh 50km về phía Bắc, Nghi Xuân là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách bởi đây là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, là nơi sinh thành và nuôi dưỡng những bậc hiền tài, nhiều danh nhân khoa bảng cho đất nước như Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du; Đại doanh điền, nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Thánh địa lý Tả Ao nổi tiếng đời Hậu Lê, danh tướng Nguyễn Xí… Nghi Xuân còn nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng và hơn nữa nơi đây còn níu chân du khách với điệu ví đò đưa, ca trù Cổ Đạm, hay hát trò Kiều, bói Kiều…
Về với Nghi Xuân là về với mảnh đất Hồng Lam, nơi có núi Hồng Lĩnh – là dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, từng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa. Cùng với sông Lam, núi Hồng được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Nghệ. Núi Hồng Lĩnh nằm giữa địa phận thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc, cách thành phố Vinh khoảng 10km về hướng Nam. Sườn phía Bắc núi Hồng nằm dọc theo Sông Lam. Núi Hồng là một trong số ít các địa danh được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huế (năm Minh Mạng thứ 7/1836). Dãy núi Hồng Lĩnh nổi tiếng với các di tích văn hóa lịch sử như đỉnh Tháp Cờ nơi hoàng tử, con Mai Thúc Loan xây căn cứ; Lũy Đá của Ngô Quảng nổi lên chống Pháp; nhiều huyền thoại, truyền thuyết liên quan đến núi Hồng Lĩnh. Nơi đây, có khoảng 100 ngôi chùa và đền miếu. Có ngôi rất cổ như chùa Hương Tích – ở Thiên Lộc, Can lộc, chùa Chân Tiên – nơi vẫn còn dấu chân người và chân ngựa trên tảng đá…
Tựa lưng vào dãy núi Hồng Lĩnh, dưới chân núi Ngũ Mã là Đền Củi. Từ cầu Bến Thủy 1 theo quốc lộ 1A đi về hướng Nam 4km, rẽ phải, đi tiếp khoảng 200m nữa là đến Đền Củi. Đền thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Đền Củi có từ hơn 500 năm trước, trải qua bao thăng trầm lịch sử Đền Củi vẫn luôn được gìn giữ, tôn tạo, là một trong những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nhất cả nước. Trước đây, đền có tên là Linh Từ Thánh Mẫu. Đền gắn liền với địa danh chợ Củi nên sau đó đã được đổi tên thành Đền Củi, khuôn viên Đền Củi rộng 1040m2, thờ chính là Ông Hoàng Mười, bên cạnh đó còn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Phật, Chúa, 5 vị quan lớn, Chầu Mười và Hưng Đạo Đại Vương. Trong tâm thức của người dân, ông Hoàng Mười là hiện thân của Lê Khôi, vị tướng của nghĩa quân Lam Sơn, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” với những đường nét điêu khắc tinh tế, uy nghiêm nằm trong vuờn cây cổ thụ cổ kính, ngoảnh mặt ra dòng Lam giang, tạo nên một không gian linh thiêng, huyền ảo. Vào các dịp lễ tết đầu năm hay các ngày lễ lớn của Đền Củi như ngày 03/3 AL giỗ Đức Thánh Mẫu, ngày 20/8 AL giỗ Trần Hưng Đạo Đại Vương, ngày 10/10 AL giỗ Đức Thánh Hoàng Mười nơi đây đón một lượng lớn du khách thập phương về hành hương, cầu mong sức khỏe, may mắn, xin lộc đầu năm.
“… Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ thương thân nàng Kiều…”
Đến Nghệ An, Hà Tĩnh dường như du khách không thể bỏ lỡ cơ hội để được viếng thăm Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới. Khu di tích thuộc xã Tiên Điền – Nghi Xuân, là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du – người đã có đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam cũng như trên thế giới với kiệt tác Truyện Kiều; đây cũng là nơi thờ tự của dòng họ Nguyễn-Tiên Điền với nhiều người đỗ đạt cao, tài năng xuất chúng như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ… Toàn bộ di tích được chia thành 6 khu vực chính là đền thờ cụ Nguyễn Nghiễm, đền thờ cụ Nguyễn Trọng, 2 ngôi nhà Tư văn, Khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du, Bảo tàng Nguyễn Du và Nhà thờ Nguyễn Du. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là di tích quốc gia đặc biệt.
Hàng năm, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du đón hàng ngàn lượt khách góp phần quảng bá hình ảnh đất và con người Nghi Xuân ra mọi miền đất nước. Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du chính là hạt nhân của tuyến tham quan du lịch gắn với Khu di tích Nguyễn Công Trứ, làng hát Ca trù Cổ Đạm, đình cổ Hội Thống, bãi biển Xuân Thành hay danh thắng núi Hồng – sông La…
Cách Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du không xa là Khu di tích Nguyễn Công Trứ – người có công khai mở hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải và hai tống Hoành Thu, Ninh Nhất. Ngoài tài thao lược yêu nước thương dân, ông còn là nhà thơ có phong thái, khí chất của một bậc nam nhi đứng trong đất trời, ông để lại cho đời hơn 150 tác phẩm thi ca, nhiều nhất là ca trù và thơ nôm. Khu di tích Nguyễn Công Trứ gồm có mộ và đền thờ. Mộ an táng tại làng Uy Viễn, nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Đây cũng là một địa chỉ hấp dẫn du khách khi đến với Nghi Xuân. Hiện nay, tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ, đều đặn mỗi tuần 2 buổi, Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ tổ chức sinh hoạt và biểu diễn hát Ca trù ở đây, khách du lịch đến với Nghi Xuân có thể dễ dàng được thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Ca trù xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ 11, bắt đầu thịnh hành trong nước từ thế kỷ 15 nhưng đến nửa cuối thế kỷ 20, mới được thế giới biết đến. Tùy từng địa phương, từng không gian diễn xướng mà hát Ca trù còn được gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò hay hát ca công. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm cùng với những biến cố của lịch sử, cho tới nay, Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Ngày 01/10/2009, Ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cùng với 15 tỉnh, thành khác, Cổ Đạm – Nghi Xuân là vùng nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hóa, là “cái nôi” của loại hình nghệ thuật Ca trù.
Nghi Xuân không chỉ nổi tiếng với các địa chỉ du lịch tâm linh mà đến đây, du khách còn được thưởng thức những món đặc sản sẵn có của vùng như dưa đỏ (Xuân Thành, Xuân Hồng), bánh kê, bánh đúc (Xuân Giang, Tiên Điền), cá thu, mực khô (Xuân Hội, Cương gián)… và cùng thư giãn, thưởng ngoạn không gian nguyên sơ, mát lành của bãi biển Xuân Thành. Biển Xuân Thành thuộc địa phận xã Xuân Thành, cách Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du hơn 5km. Nước biển ở đây có độ mặn vừa phải, trong xanh và rất sạch. Đặc biệt, nơi đây có một dòng sông nước ngọt Mỹ Dương bắt nguồn từ núi Hồng Lĩnh chảy song song theo chiều dài bãi biển. Sông không sâu nhưng nước không bao giờ cạn. Hai bên bờ sông là thảm thực vật xanh tốt. Nơi đây đã được đầu tư, xây dựng một số nhà nghỉ, nhà hàng phục vụ du khách nhưng vẫn ở quy mô nhỏ; vì vậy, du khách khi đến đây vẫn còn được chiêm ngưỡng một phong cảnh thiên nhiên bao la, nguyên sơ nhưng không kém phần hấp dẫn.
Với lợi thế tiềm năng du lịch của địa phương, ngành du lịch ở Nghi Xuân ngày càng được quan tâm và phát triển. Vừa qua, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm xây dựng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du trở thành địa chỉ văn hóa và du lịch của quốc gia gắn với các giá trị thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đưa ra các giải pháp phát triển du lịch như xây dựng các tour du lịch thăm di tích (liên kết với các điểm như di tích Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Đền Chợ Củi…); khám phá văn hóa gắn với các trung tâm nghỉ dưỡng và giải trí thể thao biển Xuân Thành, Khu du lịch quốc gia Thiên Cầm và các tour du lịch trong Vùng Bắc Trung bộ, tổ chức các hoạt động liên hoan văn hóa – nghệ thuật quốc tế với quy mô phong phú, đa dạng tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du dựa trên các không gian diễn xướng truyền thống kết hợp với các không gian phát huy giá trị di tích tại Vùng bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật gắn với chủ đề lịch sử, văn hóa vùng đất Tiên Điền…
Với nhịp độ phát triển như hiện nay, một ngày không xa, Nghi Xuân sẽ trở thành một “địa chỉ hấp dẫn” trong ngành du lịch Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tác giả bài viết: Tú Quỳnh
Có thể bạn quan tâm
Thông xe cầu Cửa Hội nối 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh
Cam bù Hương Sơn
Chấm giải Cuộc thi Ảnh đẹp và Video clip ấn tượng về du lịch Hà Tĩnh năm 2023