Lễ hội đánh cá Đồng Hoa

Đăng lúc: Thứ năm - 11/12/2014 22:19 - Người đăng bài viết: admin
Lễ hội đánh cá Đồng Hoa hội đủ nhiều yếu tố về không gian văn hóa, truyền thống và địa thế nhưng nếu không có phương án khôi phục, duy trì và phát huy một cách hữu hiệu thì chắc rằng theo thời gian nó sẽ bị mai một dần hoặc chỉ còn trong ký ức xa xôi của lớp người cao tuổi.
Ảnh:Minh Chiến

Ảnh:Minh Chiến

Hà Tĩnh hiện có hàng trăm lễ hội truyền thống rải rác khắp các làng quê, trong số đó hiện có hơn 30 lễ hội đã được phục dựng và duy trì khá tốt. Các lễ hội đều gắn với phong tục tập quán của từng địa phương và phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt, tâm linh tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư, bởi vậy nó mang đậm chất dân gian và tạo được sức hấp dẫn qua nhiều thế hệ.

Trong số các lễ hội được tổ chức hàng năm ở Hà Tĩnh có một lễ hội rất độc đáo mà không phải ai cũng biết. Nói độc đáo bởi chỉ riêng ở xã Xuân Viên – Nghi Xuân mới có lễ hội này. Đó là lễ hội đánh cá Đồng Hoa hay còn gọi là hội đánh Vực. Hằng năm, cứ đến mùa tháng 4, tháng 5 âm lịch, chính quyền và người dân nơi đây lại nô nức vào hội. Không như các lễ hội Cầu ngư ở một số địa phương ven biển như Nhượng Bạn – Cẩm Nhượng, Hội Thống và Động Gián – Nghi Xuân chỉ làm lễ trên bờ, lễ hội đánh cá Đồng Hoa ở Xuân Viên khác ở chỗ sau phần lễ, mọi người bất kể già trẻ, gái trai đều ùa xuống đầm thi nhau đánh bắt cá. Đầm nước được chọn để tổ chức lễ hội có tên là đầm Vực, cách di chỉ Phối Phối hơn 200m và Khu du lịch sinh thái đập Đồng Trày 500m, nằm dưới chân dãy Hồng Lĩnh trùng điệp với cảnh trí hữu tình. Đầm có chiều dài hơn 1km với diện tích khoảng 30 ha rất thuận lợi cho các loài cá nước ngọt sinh sôi nảy nở. Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại thì Lễ hội đánh cá Đồng Hoa đã tồn tại cách đây hơn 200 năm. Ngày trước lễ hội được tổ chức khá quy củ. Làng lập ra ban quản lý, có yết thị cấm đánh bắt cá trong phạm vi  đầm, có tuần phiên thay nhau canh gác, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch được chọn để tổ chức lễ hội. Vào ngày này, Lý trưởng và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ hương đăng hoa quả cúng tế thành hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực. Sau khi làm lễ xong, một hồi trống chiêng vang dậy, đích thân lý trưởng hú to một tiếng và cầm nơm xuống đầm úp cá lấy lệ rồi mới đến lượt dân chúng ào xuống với đủ các loại dụng cụ như nơm, lưới, vó, nhủi... thi nhau đánh bắt cá rất sôi nổi, ai bắt được con cá to thì giơ lên cao vừa huơ huơ “chiến lợi phẩm” vừa cất tiếng hú, tất cả mọi người trên bờ dưới nước đồng thanh hú theo tán thưởng một cách hào hứng. Người ta quan niệm rằng ai bắt được cá to hoặc nhiều cá thì sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong suốt năm ấy. Sau một ngày diễn ra lễ hội, người bắt được con cá to nhất sẽ được làng ban thưởng và con cá ấy được dùng làm đồ cúng dâng lên Thành hoàng làng nhân dịp tết Đoan Ngọ.

Mấy chục năm trở lại đây, lễ hội đánh cá Đồng Hoa (nay gọi là ngày hội đánh Vực) không còn giữ được đầy đủ những thủ tục, nề nếp xưa cũ nhưng chính quyền và bà con nơi đây vẫn đều đặn duy trì những nét căn bản của lễ hội hằng năm với lòng nhiệt tình không hề suy giảm. Hầu như nhà nào ở Xuân Viên cũng có sẵn các dụng cụ đánh bắt cá đa dạng về chủng loại: lưới mắt to, mắt nhỏ, lưới quét, lưới thả, oi, bầu đựng cá, vó tôm, nơm, nhủi, đúa (rổ thưa mắt), gàu sòng, gàu dai... đặc biệt có những chiếc nơm với đường kính vòng miệng rộng cả mét truyền đời 3, 4 thế hệ trong gia đình và được gìn giữ như một báu vật. Những người già cả không còn tham gia lễ hội được thì ở nhà sửa sang ngư cụ cho con cháu và ôn lại kỷ niệm của những lễ hội năm xửa năm xưa với sự hào hứng bất tận, tưởng chừng như họ đang dồn cá ào ào trên đầm Vực thuở nào.

Ngày nay, dẫu bắt được cá to hay nhỏ đối với người tham gia lễ hội không hẳn còn quan trọng nữa. Cái chính là họ đến đây để tận hưởng niềm vui và thỏa mãn sở nguyện được giao hòa với thiên nhiên, đồng ruộng; được tắm mình trong bầu không khí hân hoan của cộng đồng với nếp sinh hoạt thuần nông ở một vùng quê thanh bình no ấm; để sống lại những ký ức tuổi thơ bên đồng lúa, dòng sông. Con số hơn 2000 người ở Xuân Viên và các địa phương khác về tham gia Lễ hội đánh cá Đồng Hoa năm nay đã phần nào nói lên sự háo hức, mong chờ trong suốt cả năm của mọi người. Mặc dù khâu tổ chức lễ hội còn sơ sài, chưa quy củ và không được quảng bá rộng rãi nhưng với một lượng người tham gia và khách tham quan như trên thì ở nhiều lễ hội tại Hà Tĩnh, dù tổ chức quy mô hoành tráng, cũng chưa hẳn có được.
 


Ảnh: Đặng Thiện Chân

Đáp ứng nguyện vọng, tâm tư tình cảm của bà con hướng về lễ hội, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều cố gắng và động thái tích cực nhằm duy trì lễ hội này như: thành lập đội bảo vệ luân phiên canh gác, ban hành quy định về việc cấm đánh bắt cá ở đầm Vực; đắp đập duy trì nguồn nước, đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực đầm; tạo mọi điều kiện để du khách thập phương và nhân dân trong vùng đến tham gia lễ hội một cách thuận tiện, thoải mái... tuy vậy vì nguồn kinh phí hạn hẹp, lực lượng bảo vệ quá mỏng nên hiện tượng bắt trộm cá ở đầm Vực vẫn còn; việc phục dựng, phát huy lễ hội này ở một tầm cao hơn đang bị xem nhẹ. Nhiều người đến với lễ hội đều có chung nhận xét là năm nay nguồn cá không còn dồi dào và nếu như những năm trước người ta bắt được nhiều con cá trên 7 - 8 kg thì nay họa hoằn mới được vài con đạt trọng lượng 2 - 3kg.

Nếu tính trên cả nước thì hiện chỉ có vài ba lễ hội đánh cá tương tự như ở Xuân Viên, chẳng hạn như lễ hội đánh cá làng Me ở Hà Tây và hội đánh cá thờ ở Phong Châu - Phú Thọ. Tuy nhiên, ở  những lễ hội này có sự chuẩn bị công phu với quy mô lớn nên đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn rất lớn của các lễ hội nói trên đối với người dân. Lễ hội đánh cá Đồng Hoa cũng hội đủ rất nhiều yếu tố về không gian văn hóa, truyền thống và địa thế nhưng nếu không có phương án khôi phục, duy trì và phát huy một cách hữu hiệu thì chắc rằng theo thời gian nó sẽ bị mai một dần hoặc chỉ còn trong ký ức xa xôi của lớp người cao tuổi.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được vai trò, vị trí của các lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân. Lễ hội còn là nơi gắn kết, giao tình, là mạch nguồn cho cảm xúc thăng hoa. Bởi vậy, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội đánh cá Đồng Hoa - Nghi Xuân trong dòng chảy văn hóa truyền thống ở Hà Tĩnh là rất cần thiết cho hôm nay và mai sau.


ào tháng 4 AL, tại Xuân Viên, Nghi Xuân.
Tác giả bài viết: Trần Đức Cường
Từ khóa:

xuân viên

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 















  • Đang truy cập: 425
  • Tổng lượt truy cập: 56007417