Đền Chiêu Trưng

Đăng lúc: Thứ ba - 25/11/2014 07:56 - Người đăng bài viết: lehoa
Đền Chiêu Trưng

Đền Chiêu Trưng

Từ xưa, ngạn ngữ xứ Nghệ đã lưu truyền câu: “Đền Cờn, Đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”. Đó là tên bốn ngôi đền nổi tiếng bậc nhất xứ Nghệ. Chiêu Trưng, một trong số đó, nằm ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đền được dựng trên núi Long Ngâm, là ngọn núi cuối cùng của dãy Nam Giới từ đất liền uốn lượn ra biển làm bức bình phong án ngự phía đông Cửa Sót. Ngọn Long Ngâm hình núi như trán con rồng chúi xuống biển sâu “Ai biết núi Nam Giới. Đá cũng hóa ra rồng” (thơ Bùi Dương Lịch).

Đền Chiêu Trưng thờ Lê Khôi, thụy hiệu là Vũ Mục (vì thế, còn gọi là đền Vũ Mục), công thần khai quốc nhà Lê sơ. Ông là con trai của Lê Trừ - anh thứ hai của Lê Lợi, ở với Lê Lợi từ bé, tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ ngày đầu cho đến lúc giải phóng hoàn toàn đất nước. Ông có tên trong Hội thề Lũng Nhai, nằm trong danh sách 35 công thần khởi nghĩa.

Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước, Lê Khôi tham dự nhiều chiến dịch, lập được nhiều chiến công, cùng Lê Sát, Lê Phấn bắt sống tướng Minh là Chu Kiệt, giết tướng Hoành Thành. Năm 1427, trong chiến dịch Xương Giang cùng Phạm Vấn cầm quân chi viện cho Lê Sát, Trần Nguyên Hãn đánh tan quân giặc bắt sống đô đốc Thôi Tụ, thượng thư Hoàng Phúc và trên ba vạn tù binh, góp phần chiến thắng giải phóng Đông Đô. Lê Thái Tổ lên ngôi phong cho là Kì Lân Hổ Vệ tướng quân, hàm Nhập nội thiếu úy, tước Đình Thượng hầu.

Lê Khôi làm quan trải qua 3 triều (Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) lên tới chức Khâm sai tiết chế thủy lục như dinh, Hộ vệ thượng tướng quân.
 

Năm 1446, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh). Thời gian này, ông đã chú trọng phát triển nông nghiệp, đào kênh, đắp đập, khai hoang lập làng. Năm Thái Hòa thứ 3 (1446), phụng mệnh vua Nhân Tông, ông cầm quân đi cùng với Nguyễn Chích, Nguyễn Xí (Đại Việt sử ký toàn thư chép là cùng với Lê Thụ, Lê Khả, Lê Khắc Phục) đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa, bắt được chúa Chiêm là Bi Cai. Trên đường trở về, bị bệnh nặng, đoàn chiến thuyền đến Cửa Sót, chân núi Nam Giới thì ông mất (ngày 3/5 năm Bính Dần). Triều đình làm quốc tang, thi hài an táng tại chóp núi Long Ngâm và cho lập đền thờ ông tại đó, được truy phong chức “Nhập nội kiểm hiệu tư không”, hàng năm được nhà nước phong kiến tổ chức tế lễ. Năm Quang Thuận thứ 4 (1463), vua Lê Thánh Tông ngự giá thăm đền, viếng mộ, ngự chế bài thơ quốc âm đề vịnh, sắc cho Đô úy Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn bia dựng tại đền. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) lại tặng phong “Chiêu Trưng Đại vương”. Đời Lê Thần Tông, năm Tân Tỵ, quan Hữu tỵ xin lập một đền mới ở thôn Nguyễn Phúc, xã Triều Khẩu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) để tiện việc tế tự. Đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót giao lại cho 3 xã Mai Phụ, Vĩnh Tuy và Kim Đôi trông nom, phụng thờ.
Đền Chiêu Trưng gồm 3 tòa, sau lưng là lăng mộ (tiền miếu hậu lăng). Đền xây dựng xong vào năm Đinh Mão (1447), một năm sau khi Lê Khôi mất, đến nay đã nhiều lần trùng tu nhưng +*- giữ được cốt cách dáng vẻ ban đầu. Từ chân núi leo qua 23 bậc đá lên đền, hai bên cây cối cổ thụ um tùm, sừng sững hai cột cổng đền, trên có câu đối ghi năm đặt phần mộ, dựng đền và năm xây cổng.

Qua cổng và vọng lâu là đến đền Hạ - nơi đón tiếp quan khách và tế lễ. Đền Hạ thoáng rộng. Phía tây là nhà dựng tấm bia khắc văn bia của Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ đề ngày 3/5 năm Quý Tỵ, Quang Thuận. Nhà bia cũng như tấm bia bị bom Mỹ phá hoại mới được phục chế lại tháng 5/1994. Phía Đông là nhà đặt bia khắc bài thơ nôm của vua Lê Thánh Tông.

Trung điện do dân xã Vĩnh Tuy (nay là xã Mai Phụ - Thạch Hà) thuê thợ làm trong 3 năm. Một số nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng các đường nét khắc chạm ở trung điện đền Chiêu Trưng in đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ XVII đến nay vẫn còn bảo tồn được.

Hai bên trung điện là hai cửa nách thấp, hẹp xây cuốn tò vò, phải cúi đầu mới đi được lên Thượng điện. Nơi đây treo tấm biển của Lê Thánh Tông ban: “Nam thiên tuấn vọng”. Giữa thượng điện trên hương án sơn son thiếp vàng là bức tượng Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi bằng gỗ sơn, nét chạm đẹp, trang nghiêm và phúc hậu, xung quanh là đồ tế khí.

Cái đẹp của đền không chỉ ở đường nét kiến trúc mà còn là sự hài hòa giữa công trình kiến trúc, không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Theo thế núi, không gian kiến trúc của ngôi đền cao dần dẫn khách thập phương đến với sự chiêm nghiệm về công lao và sự thiêng liêng của Đại vương Chiêu Trưng (Theo “Danh thắng Quỳnh Viên & Đền Chiêu Trưng Đại vương”).

Hàng năm, đền Lê Khôi có 3 lễ chính: Lễ Thưởng Xuân (còn gọi là Khai Ân) diễn ra ngày mồng 04 tháng 01 âm lịch. Lễ hội chính tưởng niệm ngày mất của Lê Khôi diễn ra trong 3 ngày (từ ngày mồng 01 đến mồng 03 tháng 5 âm lịch). Lễ Hạp Ấn diễn ra ngày 25 tháng 12 âm lịch là lễ báo ân, báo đáp của nhân dân lên Đức Thánh sau một năm làm ăn gặp nhiều may mắn. Trước ngày chính giỗ, thường có trận mưa rào vào chiều hoặc tối mồng 02. Nhân dân trong vùng bảo đó là trận mưa “dội tượng” “rửa đền” đón khách thập phương về tế lễ. Sau lễ tế, có các hoạt động như thi bơi thuyền, bóng chuyền, đi cà kheo, đánh thẻ người... Năm nào cũng vậy, vào các ngày lễ chính, khách thập phương từ nhiều tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là một số tỉnh có thờ vọng Đức Thánh Lê Khôi như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội kéo nhau về hội tụ đông vô kể.

Liền một dải với đền Chiêu Trưng có đền thờ Liễu Hạnh công chúa, đền Cá Ông tạo thành một quần thể, đền miếu hài hòa cùng vẻ đẹp của núi non và biển trời, xứng đáng là một di tích danh thắng bậc nhất của vùng Thanh - Nghệ Tĩnh.

Chỉ dẫn:
Từ thành phố Hà Tĩnh đi về phía Đông 15km theo tỉnh lộ 3 đến biển Thạch Hải, theo hướng Bắc 7km là đến đền Chiêu Trưng.
Điểm du lịch lân cận: Cách đền Chiêu Trưng 300m là đền Thánh Mẫu, cách 5km đến đền Vọng Lê Khôi, Quỳnh Viên, làng Vạn Chài, ngọn Hải Đăng...
Tác giả bài viết: Phạm Ái (sưu tầm và biên soạn). Ảnh: Tư liệu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 















  • Đang truy cập: 515
  • Tổng lượt truy cập: 55018655