Thảo luận, góp ý Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

Chiều 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện chủ trì buổi làm việc của UBND tỉnh với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, các Sở, Ban, ngành liên quan.
Thảo luận, góp ý Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh dưới sự tácđộng của nền kinh tế thị trường, những biến đổi về các vấn đề về văn hóa, xã hội, các nghệ nhân nắm giữ thực hành Ví, Giặm đã cao tuổi và rất ít người kế thừa… đang đứng trước nhiều nguy cơ bi mai một. Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được xây dựng từ sự cần thiết của thực trạng đó. Trên cơ sở Luật Di sản văn hoá và những văn bản quy phạm pháp quy về di sản văn hoá phi vật thể, Đề án đã xác định các nguyên tắc để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm; phân tích thực trang của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, những thách thức bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm. Đồng thời nên lên định hướng bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, giải pháp và tổ chức thực hiện.


Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến thảo luận về nội dung nghiên cứu lập đề án như: cần đánh giá sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật khác; xây dựng các đền án thành phần, nghiên cứu cách thức lồng ghép việc bảo tồn dân ca ví, giặm vào các dự án văn hoá khác; quan tâm đến cơ chế chính sách, về nguồn vốn thực hiện đề án; cụ thể hoá những nhiệm vụ trong từng giai đoạn, trong đó chú trọng đến nguồn nhân lực và công tác sưu tầm, tập hợp tư liệu một cách thống nhất; có chương trình phối hợp giữa du lịch và văn hoá…


Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện khẳng định, trách nhiệm bảo vệ dân ca Ví, Giặm không chỉ là của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn của cả nước. Trên cơ sở những ý kiến thảo luận của các buổi làm việc tại Hà Tĩnh và Nghệ An, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị Viện VHNT quốc gia tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nội dung đề án chi tiết hơn, phù hợp với tình hình thực tế…để sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Tác giả bài viết: Ái Vân