Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức long trọng

Tối 31/01/2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, Nghệ An), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ vinh danh và đón nhận Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa cho bà Katherine Muller Marin và lãnh đạo, nghệ nhân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh
Tham dự Lễ vinh danh, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... cùng đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Đại biểu quốc tế có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; ông Park Nark Gong - tham tán văn hóa kiêm Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng, tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Boly Khămxay, tỉnh Hủa Phăn - nước CHDCND Lào.

Về phía Nghệ An - Hà Tĩnh có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, đại diện các ban, ngành, đoàn thể các cấp và các nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tới dự.

Ví, Giặm là một loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo của Xứ Nghệ ra đời từ hàng trăm năm nay. Nói độc đáo là vì đây là lối hát dân ca không nhạc đệm, được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất và mỗi lối hát gắn với không gian diễn xướng riêng. Cách gọi tên, phân loại dựa trên nghề nghiệp của những người diễn xướng, như: ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón, ví phường cắt tranh, ví trèo non, ví phường vàng, ví phường róc cau, ví phường lau mía, ví phường chắp gai đan lưới, ví phường củi, ví phường cỏ… Ví, Giặm được trao truyền từ thế này sang thế hệ khác theo hình thức truyền khẩu, nó phản ánh đời sống tinh thần phong phú, sức sáng tạo bền bỉ của người dân Xứ Nghệ. Đồng thời góp phần vun đắp tình cảm cộng đồng dân cư; xây dựng, gắn kết các mối quan hệ trong đời sống lao động sản xuất.

Hiện nay, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đang được lưu truyền rộng rãi ở 26 huyện, thị, thành phố thuộc 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Trên địa bàn 2 tỉnh hiện có hơn 100 CLB dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân.

Trước những đóng góp của loại hình di sản này, trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại thủ đô Paris (Pháp) dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho thấy, thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc đặc biệt của Việt Nam, đồng thời sẽ giúp cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Katherine Muller Marine đánh giá cao vai trò của dân ca Ví, Giặm và mong muốn chính quyền cùng người dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp tích cực và hữu hiệu để gìn giữ, phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.
Đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh khẳng định, việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh thực sự là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An,  Hà Tĩnh mà của cả nước. Từ đây dân ca Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới, thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại. Đồng thời, cảm ơn sự ghi nhận của bạn bè quốc tế, của các cơ quan, ban ngành trung ương. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm để nâng tầm những giá trị văn hóa dân tộc, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể điển hình của nhân loại. 
         
Phát biểu tại Lễ vinh danh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ cảm ơn UNESO, các tổ chức quốc tế và các quốc gia thành viên đã ủng hộ để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau khi tiến hành trao Bằng công nhận, chương trình nghệ thuật vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, chủ đề "Về miền Ví, Giặm" gồm 5 trường đoạn: “Đêm đò đưa nhớ Bác - Một khúc tâm tình - Ân tình Xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh - Ví, Giặm kết nối những miền di sản” với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu cùng gần 600 diễn viên, nghệ nhân dân gian, sinh viên, học sinh ở hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã đưa đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc xen lẫn tự hào.

Sau khi Lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm tại thành phố Vinh (Nghệ An) kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức rước Bằng ghi danh về Hà Tĩnh.
Một số hình ảnh tại Lễ vinh danh










 

Tác giả bài viết: Đức Cường