Du lịch Hà Tĩnh và mục tiêu “1 ngày ăn cơm 3 nước”

Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, Hà Tĩnh là điểm nhấn quan trọng của con đường di sản miền Trung, là một trong những địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ giàu tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch hội nhập theo hướng “1 ngày ăn cơm 3 nước”.
Du lịch Hà Tĩnh và mục tiêu “1 ngày ăn cơm 3 nước”
“Con đường di sản miền Trung”

“Con đường di sản miền Trung” là một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Đông - Tây” được khởi đầu từ Thanh Hóa, qua Nghệ An, Hà Tĩnh và điểm cuối là tỉnh Quảng Nam. Trên “con đường” này có nhiều địa danh lịch sử văn hóa tiêu biểu, nhiều danh lam thắng cảnh, hang động tự nhiên kỳ vĩ, rừng núi nguyên sinh trùng điệp, động thực vật phong phú, quý hiếm, môi trường sinh thái trong lành. Đây cũng là tiềm năng to lớn để Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh trong khu vực phát triển du lịch.

Việc hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Hà Tĩnh qua Lào tới Sakon Nakhon với các tỉnh lân cận vùng Đông bắc Thái Lan và Myanmar sẽ tạo ra một thị trường du lịch, dịch vụ hội nhập đầy tiềm năng với các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Tại các tỉnh Đông bắc Thái Lan như Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, Nongkhai và một số tỉnh nước bạn Lào như Viêng Chăn, Bôlykhămxay, Khăm Muộn có rất đông bà con Việt kiều sinh sống... Nhu cầu của kiều bào hồi hương tham quan du lịch, kết hợp tìm kiếm cơ hội đầu tư là rất lớn. Đây cũng là một trong những thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp du lịch Hà Tĩnh và Thái Lan có thể kết hợp tổ chức khai thác tour du lịch theo hướng “1 ngày ăn cơm 3 nước”.

Được biết, từ các tỉnh Đông bắc Thái Lan nếu muốn tới Phu Kẹt, Băng Cốc phải mất từ 700-900 km, trong khi đó tới Hà Tĩnh chỉ mất từ 350-400 km, do vậy, các doanh nghiệp du lịch Hà Tĩnh có lợi thế rất lớn trong việc khai thác thị trường du lịch hành lang kinh tế Đông -Tây. Đặc biệt, những năm gần đây, lượng du khách trong nước và quốc tế đến Hà Tĩnh ngày càng tăng. Các chương trình hợp tác phát triển du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây và các hoat động tour, tuyến du lịch theo “Con đường di sản miền Trung” đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của Hà Tĩnh nói chung và du lịch nói riêng.
 

“1 ngày ăn cơm 3 nước”

Không gian du lịch “Con đường di sản miền Trung” là sự kết nối các khu, điểm du lịch của Hà Tĩnh với di sản thế giới tại các tỉnh khu vực Trung bộ - Việt Nam và tạo thành một chương trình hợp tác du lịch 3 quốc gia Thái Lan, Lào, Việt Nam với tinh thần hướng cộng đồng khối ASEAN vào các tour du lịch theo ý tưởng “1 ngày ăn cơm 3 nước” (sáng ở Thái Lan, trưa ở Lào, chiều là Hà Tĩnh và ngược lại).
 
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng chia sẻ: “Nhằm tăng nhanh lượng khách quốc tế đến với Hà Tĩnh, sở đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phát triển, nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch.

Đáng kể trong đó như dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch do ADB tài trợ, với tổng giá trị hàng chục triệu đô, nâng cấp hệ thống đường và các cơ sở dịch vụ Khu du lịch chùa Hương, xây dựng vườn Thúy tại Khu di tích Nguyễn Du, hỗ trợ nâng cấp hạ tầng Khu du lịch biển Thiên Cầm. Chương trình dự án EU tài trợ về nâng cao năng lực du lịch có trách nhiệm đã giúp Hà Tĩnh triển khai được hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý ngành du lịch, các tổ, chức cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ… Bằng hình thức xã hội hóa, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân con em Việt Nam ở nước ngoài đã về đầu tư hàng trăm tỷ đồng phát triển du lịch trên địa bàn”.

Ngành VH-TT&DL cũng đã quan tâm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch và tích cực quảng bá, kết nối nhiều tour, tuyến du lịch với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Myanmar và một số nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đài Loan. Kết quả năm 2015, Hà Tĩnh đã đón gần 1,5 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng sự cố môi trường biển, lượng khách du lịch biển có giảm sút, tuy nhiên, lượng khách du lịch văn hóa và sinh thái tự nhiên vẫn tăng theo chiều hướng khả quan.

Các công ty lữ hành du lịch trên địa bàn phối hợp khai trương các tuyến du lịch quốc tế Hà Tĩnh – Sakon Nakhon; Hà Tĩnh - Bưng Càn, Hà Tĩnh - Viêng Chăn. Thông qua các chương trình Caravan, hoạt động các đoàn Famtrip (khảo sát các điểm đến cũng như thị trường du lịch trong nước và quốc tế), góp phần tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch Hà Tĩnh giao lưu, quảng bá, hợp tác phát triển tour, tuyến.

Ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty Lữ hành du lịch Thành Sen chia sẻ: “Việc Hà Tĩnh đã chủ động mở rộng hợp tác du lịch dịch vụ với các nước trong khu vực góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp xúc với thị trường du lịch trong khối ASEAN. Đặc biệt, vừa qua, Tổng cục Du lịch đã phối hợp tổ chức chương trình Caravan khảo sát tuyến điểm du lịch đường bộ và xúc tiến du lịch dọc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây rất ý nghĩa. Thông qua chương trình, giúp ta tiếp cận và học tập được các kinh nghiệm của bạn để xây dựng, phát triển ngành du lịch Hà Tĩnh ngang tầm khu vực. Theo đó, công ty cũng đã khai thác được nhiều tour, tuyến du lịch ra nước ngoài với hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước”.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Đông - Tây

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch trên tuyến hành lang Đông - Tây của tỉnh ta vẫn chưa sôi động, chưa có tầm ảnh hưởng để thu hút du khách quốc tế bởi nhiều lý do. Trong đó, chất lượng hạ tầng kỹ thuật của sản phẩm du lịch đang là điều đáng bàn, loại hình du lịch nghèo nàn, thiếu thốn, chất lượng dịch vụ thấp, vệ sinh môi trường kém xa các nước trên tuyến hành lang. Khách nước ngoài khi đến du lịch tại Hà Tĩnh thường phàn nàn thiếu điểm dừng, thiếu các công trình vệ sinh công cộng, hoạt động du lịch danh thắng, sinh thái tự nhiên chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với tiềm năng.

Nhằm sớm đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển, hội nhập với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần có chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, tích cực củng cố hạ tầng kỹ thuật, tập trung đào tạo nguồn lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực khai thông tour, tuyến, mở rộng thị trường.

Trong một cuộc hội thảo về bình chọn điểm đến du lịch Hà Tĩnh tiêu biểu được tổ chức tại TP Hà Tĩnh vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Ngô Hoài Chung chia sẻ: “Khi con đường di sản miền Trung đã được mở rộng tới các nước trong khu vực, đối tượng du khách chủ yếu là người nước ngoài, nên việc xúc tiến và quảng bá du lịch là hết sức quan trọng. Vì lẽ đó, Hà Tĩnh cần có các giải pháp khả thi hơn, nhằm phát huy những lợi thế thiên nhiên ban tặng và kho báu di sản văn hóa quý giá của cha ông để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Tác giả bài viết: Quang Sáng