Miếu Ao: Một địa chỉ du lịch tâm linh

Miếu Ao nằm cách thành phố Hà Tĩnh 12km về phía Đông Nam. Từ thành phố Hà Tĩnh, du khách có thể qua cầu Đò Hà theo đường liên xã Tượng Sơn - Thạch Thắng hoặc qua cầu Thạch Đồng theo đường tỉnh lộ DT26 đến ngã ba Thạch Khê rẽ phải 3km là đến di tích Miếu Ao. Miếu Ao thuộc địa bàn làng Nhụy Uyên, tổng Hạ Nhị, huyện Thạch Hà, nay là thôn Đồng Khánh, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà. Đến nay, không còn tài liệu thành văn cho biết niên đại dựng miếu, chỉ biết rằng theo truyền ngôn dân gian miếu được xây dựng cách đây gần 600 năm để thờ thần Tam Lang.

 
Tục thờ thần Tam Lang (thần Rắn) là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt được thờ phổ biến từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền Trung, Tây Nguyên. Tín ngưỡng thờ thần Tam Lang (thờ thần rắn) gắn với môi trường tự nhiên sông nước và hình tượng rắn tiêu biểu cho tục thờ thủy thần của cư dân nông nghiệp với những hình thức như: cầu mưa, cầu mùa.
 
Thần tích thần Tam Lang tại Miếu Ao có nhiều dị bản khác nhau. Sách Nghệ An phong thổ ký chép như sau: “Xưa ở Chỉ Châu có hai vợ chồng ông Mái, mụ Mái đã luống tuổi mà chưa có con. Một hôm người vợ nhặt được ba quả trứng về nhà, chồng đem bỏ vào cái chậu. Ít lâu sau ba quả trứng nở thành ba con rắn, ông bèn thả xuống ngã ba sông, bỗng mưa gió nổi lên ầm ầm lúc sau mới lặng. Nhưng hôm sau thì ba con rắn trở về quấn quýt bên ông bà, ông đi đâu rắn cũng theo đi. Một hôm, ông ra bờ cuốc ruộng, ba con rắn bò lượn xung quanh tỏ ý rất vui vẻ, nhưng không may ông vô tình cuốc nhằm một con làm đứt đuôi. Ba con rắn cùng bỏ đi ẩn dưới vực Đan Hai. Về sau ba con rắn thành Thần được dân Chỉ Châu lập Miếu thờ gọi là Tam Lang Long vương. Nhất lang thờ ở Miếu Ao, Nam Trị, Nhị Lang tức con rắn cụt đuôi thờ ở miếu Ông Cụt, Tam Lang thờ ở miếu Ông Rỗng. Tương truyền, Tam Lang bị đám mục đồng đánh chết, con rắn lúc đầu nhỏ nhưng càng đánh càng to, to bằng cây tre dân làng bèn đưa đi chôn cất và lập Miếu thờ. Hàng năm, làng phải mua ba gánh bánh tráng để làm lễ “trả vảy” (vì bị đánh tróc vảy). Lệ này, cho đến thời Pháp thuộc mới có một ông Lý trưởng xin Thần cho bỏ vì “đền vảy” đã nhiều năm rồi”. Sách Chuyện đời xưa mới in ra lần đầu của một học giả người Pháp tên là Génibrel, chép: “Đời Lý có hai vợ chồng làng Chỉ Châu, châu Thạch Hà lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Một hôm họ hứng nước dưới mái nhà đến canh tư có ngôi sao rơi vào vò, người vợ uống nước ấy có thai nhưng ba năm chưa đẻ. Sau đó, bà đẻ ra ba quả trứng màu xanh nở được ba con rắn. Chúng thường quấn quýt đi theo bố mẹ, vì vậy một hôm người bố vô tình chặt đứt đuôi một con. Nó tự nhiên biến thành chàng trai rồi nói: Chúng con đầu thai giúp nước, nay con đã bị bố lỡ tay như vậy sẽ lên trời làm sóng gió cho thiên hạ biết. Nói rồi biến đi sau trở thành thần sóng. Còn hai con rắn kia ở lại sau trở thành tướng tài nhà Lý cầm quân bảo vệ biên cương chắn đứng giặc ngoài xâm lược”. Còn sách An Tĩnh cổ lục của học giả Le Breton chép về sự kiện lịch sử gắn với Miếu Ao như sau: “Đền Tam Lang Long vương nằm tại làng Nhụy Uyên, thuộc huyện Thạch Hà. Dân gian truyền lại rằng trên đường đi đánh Chiêm Thành, thuyền của vua Lê Thánh Tông đã bất ngờ bị dừng lại nơi này mà không rõ lý do. Sau khi hỏi người dân trong làng về hiện tượng này nhà vua đã tổ chức các nghi lễ cầu thành Hoàng làng, ngay sau đó gió tứ phương nổi lên và đẩy đoàn thuyền đi nhanh đến lạ kỳ. Thắng trận trở về vua Lê Thánh Tông đã phong sắc cho thần”.

 Miếu Ao tọa lạc trong một không gian rất thâm nghiêm u tịch, diện tích khuôn viên rộng 15.682m2 nhìn từ xa toàn cảnh di tích Miếu Ao như một cái chuông úp, xung quanh miếu là đồi cây bản địa lâu năm càng làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm u tịch cho di tích. Di tích lịch sử văn hóa Miếu Ao là một công trình kiến trúc độc đáo gồm các hạng mục: cổng, tắc môn, miếu thờ chính. Mặt trước miếu là một cái ao hình bán nguyệt nước trong xanh quanh năm và chưa bao giờ cạn, cái ao là trái tim của di tích, có từ rất lâu đời và được xem là nơi lưu giữ nguồn năng lượng tốt lành vun đắp cho tâm hồn của con người mỗi khi tham quan vãn cảnh hay thực hành các nghi lễ tín ngưỡng tâm linh tại miếu. Về không gian kiến trúc, có thể thấy do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, địa lý phong thổ nên mặc dù không có những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ nhưng nét độc đáo của toàn bộ di tích được xây dựng theo kiểu thủy tạ độc nhất vô nhị ở Hà Tĩnh.

Di tích Miếu Ao phản ánh một cách chân thực cảnh sinh hoạt thường nhật và đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng, dịp đầu xuân năm mới, nhân dân trong vùng và các làng lân cận thường đến Miếu Ao dâng hương để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình bình an. Đặc biệt, đến ngày 1 tháng 6 âm lịch nhân dân địa phương tổ chức lễ Kỳ phúc Lục ngoạt thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, vãn cảnh, sinh hoạt văn hóa tâm linh và tận hưởng bầu không khí thanh bình nơi vùng đất biển Ngang, huyện Thạch Hà./.

Tác giả bài viết: Võ Đình Thi