Làng rèn Trung Lương

Hà Tĩnh - mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, nơi đây không chỉ được biết đến với nhiều di tích, danh thắng mà còn nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trong đó phải kể đến nghề rèn ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh.
Làng rèn Trung Lương
 
Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A khoảng 35km về phía Bắc, du khách đến với làng rèn Trung Lương. Làng nằm tựa mình vào dãy núi Hồng Lĩnh, được che chở bởi con đê La Giang uốn lượn và dòng sông Minh hiền hoà, thơ mộng.

Nhắc đến Trung Lương, người ta nghĩ ngay đến làng nghề truyền thống nổi tiếng bao đời nay. Đó là nghề Rèn. Theo truyền thuyết, người khai sinh ra nghề rèn là ông Đùng. Vì thấy dân không có dụng cụ sản xuất nên ông bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà. Từ đó, nhiều người trong vùng đến xin học nghề. Ông vui vẻ truyền nghề lại cho dân làng. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Về sau, dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng lập đền thờ tại Rú Tiên, nằm ngay giữa làng và gọi là đền thờ ông Thánh Thợ. Hằng năm, cứ vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch, nhân dân trong làng lại nô nức đi Lễ tế đức tổ thánh thợ rèn. Một câu chuyện khác của những người dân Trung Lương thì kể rằng, ngày xưa, có hai anh em thợ rèn người họ Trương đến đây lập nghiệp. Ít lâu sau, người anh Trương Như ở lại truyền nghề cho dân làng Trung Lương. Người em vào tận Cố đô Huế lập nên làng rèn Hiền Lương. Để đền đáp công lao to lớn của người đã dạy nghề cho dân làng, nên trong đền làng Trung Lương xây vào năm 1880 có hai câu đối nhắc đến anh em “Trung - Hiền”:
 
"Trung Hiền tịnh tiến tương tiên hậu
Lương thiện thành phong tự cổ kim".

Dịch là:
“Trước sau Trung Hiền đều sánh bước
Xưa nay lương thiện đã thành lề”

 
Mặc dù có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc nghề rèn thì đến nay làng rèn Trung Lương vẫn tồn tại và phát triển, mang trong mình đặc trưng thanh âm văng vẳng của tiếng đe búa và mùi khèn khẹt từ các xỉ sắt thép.

Trước đây, người dân Trung Lương không chỉ sản xuất nông cụ để phục vụ dân sinh mà khi quốc biến họ sẵn sàng đem tay nghề của mình để giúp nước, cứu dân. Thời Cần Vương, thầy trò cố Đường đã tình nguyện đem lò bệ của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân Phan Đình Phùng. Thời chống Pháp, thợ rèn Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, dao, kiếm, súng kíp... phục vụ cho kháng chiến. Hằng đêm, cứ khoảng 3 - 4 giờ sáng đã nghe tiếng búa đập sắt vang lên từ các hộ gia đình.

Ngày nay, trước sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, nghề rèn Trung Lương vẫn không ngừng phát triển. Hiện tại trong phường có 108 hộ rèn, 09 hộ sản xuất gia công cơ khí và 14 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Sản phẩm của làng rèn chủ yếu đồ gia dụng và phục vụ nông nghiệp: dao, kéo, liềm, cuốc, lưỡi cày, lưỡi bừa, ngoài ra còn có thêm một số ngành nghề mới như sản xuất tấm lợp Prôximăng, cán kéo thép, chảo đúc, sửa chữa các loại máy móc thiết bị. Tất cả đã làm cho nghề rèn thêm phong phú và đa dạng hơn. Vì thế, doanh thu từ nghề rèn cũng tăng lên đáng kể (quý I /năm 2016 đạt 53,5 tỷ đồng). Nghề rèn đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
 


Sản phẩm làng nghề Trung Lương được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước và nhận được sự ưu chuộng của đông đảo người tiêu dùng đặc biệt là những người nội trợ, những bác nông dân.

Về mặt kỹ thuật, thực tế không có sách vở nào ghi chép lại mà nghề rèn được coi như một nghề cha truyền con nối. Người dân Trung Lương truyền kinh nghiệm từ người này sang người khác, dần dần cải tiến kỹ thuật, sản phẩm ngày một được nâng cao. Một bác thợ rèn chia sẻ: Muốn có một sản phẩm đạt chất lượng tốt ngoài việc lựa chọn thành thạo nguyên liệu, người thợ cần có con mắt tinh tường, đoán biết được độ nóng vừa đủ của sắt và thép, qua nước tôi sao cho phù hợp. Do đó, để giữ được nghề, đòi hỏi ở đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ, cũng như sự kiên trì, bền bỉ sáng tạo của họ để có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị sử dụng lại vừa mang bản sắc văn hoá đặc trưng của làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, cũng giống như thực tế của nhiều làng nghề khác, làng rèn Trung Lương đang đứng trước nhiều khó khăn. Hàng ngoại nhập có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng cũng cao hơn trong khi những người thợ ở đây lại không được đào tạo bài bản, chủ yếu là làm theo kinh nghiệm cha truyền con nối nên khó bắt kịp được với kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, đây lại là công việc vất vả, mất nhiều sức lao động cơ bắp nên nhiều người không muốn cho con cháu theo nghề. Đứng trước tình hình đó, UBND phường Trung Lương đang có chủ trương tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đề xuất tiến hành cắm mốc quy hoạch mở rộng cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề; đồng thời tích cực xin hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, động viên các cơ sở, doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các đơn vị quản lý cùng sự nỗ lực của những người thợ rèn nơi đây sẽ góp phần giữ gìn truyền thống lâu đời của nghề rèn Trung Lương, để làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn là điểm đến ấn tượng của du khách khi có dịp về với Hà Tĩnh.
    
Chỉ dẫn
Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A  về phía Bắc 30km đến thị xã Hồng Lĩnh, đi thẳng thêm 3km, rẽ trái là đến làng rèn Trung Lương.

Xem chi tiết tại đây

Tác giả bài viết: Hoa Lê