Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú

“... Trước Tùng Lĩnh nhơn nhơn giăng cánh phượng,
bút văn phong non tháp đôi tầng
Sau La Giang cuồn cuộn uốn lưng rồng,
gành ngân đới nước thu đôi ngả
... Đất vẹn thu mọi vẻ thanh kỳ
Đời dõi thấy nhiều tài phụ tá...”
(Văn thúc ước hai làng Tùng Ảnh, Đông Thái)
 
Dòng sông La hiền hòa lặng lẽ mang trong mình bao hạt phù sa từ thượng nguồn của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố vẫn âm thầm bồi đắp ven bờ. Đức Thọ - mảnh đất giang sơn tụ khí - là quê hương đã sản sinh ra nhiều anh hùng nghĩa liệt, nhiều danh nhân văn hóa như danh tướng Lê Bôi, anh em tướng quân Đinh Lễ, Đinh Liễn, thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng... đặc biệt là đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc đã làm rạng danh quê hương, đất nước.

Đồng chí Trần Phú thuộc thế hệ những người chiến sỹ cộng sản tiền bối, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh. Ông sinh ngày 01/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh là cụ Trần Văn Phổ (1865 - 1909), một nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân dũng cảm chống lại áp bức cường quyền của bọn đế quốc. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát (? - 1910), một người phụ nữ nông dân cần cù chất phác quê ở xã Châu Dương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sau khi bố mẹ mất, Trần Phú và Trần Ngọc Danh được dì đưa về Quảng Trị nuôi ăn học. Mùa thu năm 1918, đồng chí vào học trường Quốc học Huế. Tại đây, đồng chí và các bạn đã tìm đến các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những bậc lão thành giàu lòng yêu nước. Tháng 9/1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại Huế, đồng chí được bổ về làm Giáo học, dạy lớp nhất Trường tiểu học Cao Xuân Dục thành Vinh. Mùa hè năm 1925, tại núi Con Mèo (Bến Thủy), đồng chí Trần Phú và một số nhà cách mạng ở Trung Kỳ đã họp và tuyên bố thành lập hội Phục Việt. Hoạt động của hội Phục Việt dấy lên tinh thần yêu nước và dạy chữ Quốc ngữ cho công nhân, nhân dân lao động ở Vinh. Vào khoảng tháng 4/1926, nhận nhiệm vụ sang Lào vận động cách mạng, đồng chí đã tới Pạc Hin Bun trong vai thư ký của chủ mỏ đồn điền. Chuyến đi này đã giúp đồng chí có những hiểu biết về tình hình thực tế ở Lào để sau này giúp Đảng đề ra những đường lối thích hợp cho cách mạng toàn Đông Dương.

Đầu tháng 8/1926, đoàn đến trụ sở của Đảng Việt Nam thanh niên cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, đồng chí và các bạn được tham dự lớp tập huấn chính trị đầu tiên của Đảng. Tháng 10/1926, đồng chí Trần Phú được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cộng sản đoàn. Ngày 25/6/1927, Bác Hồ đã gửi thư tới trường Đại học Phương Đông giới thiệu đồng chí Trần Phú làm Bí thư chi bộ nhóm học sinh Việt Nam.

Đầu năm 1930, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông, Mát-xít-cơ-va, đồng chí qua Đức, Bỉ, Pháp và bí mật về tới Sài Gòn vào ngày 8/02/1930 mang theo kiến thức của một nhà lý luận có tài. Đầu tháng 7/1930, đồng chí về tới Hà Nội và được bầu vào Ban chấp hành trung ương lâm thời, đồng thời được phân công dự thảo “Luận cương chính trị” của Đảng. Luận cương là sự bổ sung, phát triển và hoàn thiện “Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo vào tháng 02/1930. Hội nghị đã nhất trí đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và đồng chí Trần Phú chính thức được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Sau hội nghị, Trần Phú rời Hương Cảng về Sài Gòn vào cuối tháng 11/1930. Lúc này, Sài Gòn đang bị địch khủng bố trắng, nhiều cơ sở của ta bị lộ, nhiều chiến sỹ cộng sản bị bắt và hy sinh. Vào sáng ngày 18/4/1931, địch khủng bố ráo riết, đồng chí Trần Phú đã bị bắt ngay tại Sài Gòn. Sống nơi tù ngục đọa đày, bị địch tra tấn để khai thác thông tin nhưng đồng chí không bị khuất phục; sức khoẻ đồng chí ngày càng sa sút, bệnh viêm phổi và bệnh tràng nhạc ngày một thêm trầm trọng. Tới tháng 8, đồng chí bị quỵ hẳn, bọn cai ngục đành phải đưa ông vào nhà thương Chợ Quán để điều trị. Sáng ngày 06/9/1931, đồng chí Trần Phú đã ra đi mãi mãi, để lại lời căn dặn cuối cùng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. 

 


Mộ đồng chí Trần Phú
 
Để tri ân công lao của cố Tổng Bí thư Trần Phú, từ năm 1962, ngành Văn hóa Hà Tĩnh đã tôn tạo khuôn viên, tu bổ nhà thờ Trần Phú ở quê hương Tùng Ảnh, Đức Thọ. Năm 1984, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh phê duyệt Dự án nâng cấp khu di tích, tu bổ nhà thờ, xây dựng mới nhà trưng bày quy mô 300m2. Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Phú, năm 2002, Ban Quản lý di tích Trần Phú được thành lập, các công trình trong khu di tích được nâng cấp, nội dung trưng bày được bổ sung nhiều tư liệu mới. Quần thể khu di tích được chia làm 3 phần bao gồm: nhà thờ, nhà trưng bày và khu mộ.

Nhà thờ tiểu chi họ Trần (chi thứ 2) nguyên là ngôi nhà dân dụng do cụ Trần Viết Tân (cố nội đồng chí Trần Phú) xây dựng năm 1862. Sau khi ông Tân qua đời, ngôi nhà được ông Trần Viết Tiến kế tự. Khi ông Tiến mất, ngôi nhà được ông Trần Văn Phổ - thân sinh đồng chí Trần Phú thừa hưởng. Đầu năm 1901, khi ông Phổ mang theo cả gia đình vào huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên dạy học thì ngôi nhà này được ông Đồ Câu - chú ruột Trần Phú sử dụng. Cho đến khoảng đầu năm 1930, khi ông Đồ Câu mua được ngôi nhà 3 gian đặt cạnh đây thì ngôi nhà này được ông hiến tặng cho dòng họ và từ đó tới nay trở thành nhà thờ tiểu chi họ Trần. Chính ngôi nhà này trong thời gian Trần Phú học tại trường Quốc học Huế (1918- 1922) và trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922- 1925), đồng chí thường về thăm nhà vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Vì vậy, ngôi nhà được gìn giữ và tu bổ làm di tích lưu niệm Trần Phú, nơi thờ tự vong linh đồng chí Trần Phú và tổ tiên họ Trần.
 


Nhà thờ tiểu chi họ Trần

Nhà thờ vốn nguyên gốc có kiến trúc theo lối tứ trụ, 3 gian không lồi, tường xây bằng đá ong, xung quanh nền được ghép bằng đá hộc, mái lợp ngói Cẩm Trang. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1862 nhưng do ảnh hưởng của  trận lũ lụt năm 1945 và cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ bằng không quân lần thứ nhất (1964) ngôi nhà có một số thay đổi nhưng nhìn chung vẫn giữ được kiến trúc như ban đầu. Năm 1962, ngôi nhà được Ty Văn hóa Hà Tĩnh tu bổ đồng thời mua thêm một ngôi nhà lim 5 gian làm nhà trưng bày bổ sung những hiện vật, tài liệu về thân thế và sự nghiệp đồng chí Trần Phú để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu.

Nhà trưng bày được xây dựng vào năm 1998, với diện tích 160m2,  là nơi giới thiệu hơn 200 hiện vật, kỷ vật gắn liền với thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú như phả hệ tiểu chi họ Trần từ đời thứ 15 đến đời thứ 18, hình ảnh về cuộc sống của gia đình Trần Phú và những đồ dùng của đồng chí Trần Phú đã sử dụng và cải trang trong thời kỳ hoạt động ở Hà Nội năm 1930 như chiếc gối, bộ quần áo...

Gần 70 năm xa cách, sau khi tìm được hài cốt đồng chí Trần Phú tại công viên Lê Thị Riêng (Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 12/01/1999, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí về an táng tại quê hương.

Phần mộ đồng chí Trần Phú được đặt trên đồi Quần Hội, dưới bóng những hàng thông, giữa một vùng non nước hữu tình, mặt hướng về bến Tam Soa. Mộ được ốp bằng đá granit màu đen thẫm, hai bên là đôi hàng cây vạn tuế. Phía trước có khoảng sân khá rộng lát bằng đá nguyên khối là nơi để khách hành lễ. Phía sau, trên nền bức bình phong màu nâu đỏ gắn lời căn dặn cuối cùng của đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Sau bức bình phong là phần mộ hai cụ thân sinh. Khu mộ đã trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, hàng năm thu hút đông đảo khách tham quan du lịch, là nơi gặp gỡ của những con tim hướng về nguồn cội, về Đảng và truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất, kiên cường của nhân dân ta. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng tại nhà đón tiếp còn lưu lại bút tích của rất nhiều đoàn khách đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của nhân dân ta trong những ngày đầu đầy gian khổ.

Trên đồi Quần Hội, dưới bến Tam Soa, đồng chí Trần Phú mãi mãi trường tồn cùng quê hương đất nước.
 
Chỉ dẫn
* Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Bắc 30km đến thị xã Hồng Lĩnh, rẽ trái theo quốc lộ 8A 18km tới thị trấn Đức Thọ, đi tiếp 2km là đến Khu di tích Trần Phú.
* Liên hệ : 0239 3831 411
* Điểm du lịch lân cận : Từ khu di tích Trần Phú đi về phía Bắc 2km là đến nhà thờ Phan Đình Phùng; từ thị trấn Đức Thọ theo quốc lộ 8A 1km để đến mộ Phan Đình Phùng, rẽ 3km theo đường 28  tới chùa Am.
Xem chi tiết tại đây

Tác giả bài viết: Lê Doãn Thắng (Trưởng Ban Quản lý KDT Trần Phú)