Hồ Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ
Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ nằm về phía Tây của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), cách thành phố Hà Tĩnh gần 20km và thị trấn Cẩm Xuyên 14km, có tổng diện tích tự nhiên 35.159ha, trong đó khu bảo tồn 24.801ha, rừng phòng hộ 10.358ha, trải dài trên ba huyện Cẩm Xuyên (chủ yếu), Kỳ Anh và Hương Khê.
 
Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ có một hệ động thực vật rất phong phú với gần 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tại đây đã tìm thấy quần thể của 5 loài chim đặc hữu có vùng phân bố hẹp, đó là Gà Lôi lam mào đen, Gà Lôi Hà Tĩnh, Trĩ sao, Khướu mỏ dài và Chích choạc màu xám, trong đó Gà Lôi lam mào đen và Gà Lôi Hà Tĩnh là hai loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Về thực vật có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ Cau dừa với các loài chủ yếu như Lá nón, Song, Mây, Cau rừng, Lụi; tại tầng thảm dưới có Quyết, Bồn bồn và các loài cây thuộc họ Ô rô… Đặc biệt, vùng rừng hồ Kẻ Gỗ còn sở hữu hơn 40 loài cây thân gỗ, trong đó có nhiều loài gỗ quý như: Táu, Gụ, Chò chỉ, Kim giao, Sến, Lát hoa…, nhiều loài gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Lim xanh, Sến mật, Gụ, Vàng tâm, Dổi, Trường, Trín, Bời lời vàng… Rừng Kẻ Gỗ cũng là nơi phát triển các loài mộc lan, phong lan đẹp và quý như Quế hương, Tai tượng, Tai trâu, Đuôi chồn, Phượng vĩ, Nghinh xuân…
 

Hồ Kẻ Gỗ là công trình đại thủy nông nằm trong lòng khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Kẻ Gỗ, được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 và đưa vào sử dụng ngày 26/3/1979. Hồ được thiết kế gồm một đập chính bằng đất đồng chất cao 37,4m, dài 970m và 3 đập phụ cùng tràn xả lũ. Chiều dài hồ gần 29km với đoạn rộng nhất gần 3km, dung tích hữu ích 345 triệu mét khối nước, mực nước hồ đạt đến độ sâu chừng 20m. Từ lòng hồ, nước theo kênh chính chảy về các kênh nhánh tưới cho hơn 20.000ha lúa mùa và các loại cây trồng khác thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh và phía Bắc huyện Kỳ Anh, biến những vùng đất khô cằn sỏi đá, hoang hóa bạc màu thành những cánh đồng xanh tốt, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở Hà Tĩnh.

Từ một công trình thủy nông với mục đích điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, hồ Kẻ Gỗ đã trở thành nơi cung cấp nguồn thủy sản dồi dào, tạo nên một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tạo tiền đề cho các dự án phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Sau khi sông Rào Cái được đắp đập ngăn dòng, nước dâng lên đã biến những ngọn đồi thấp thành những hòn đảo nhỏ. Trên đảo, các loài cây sinh trưởng xanh tốt tạo thành những điểm nhấn tuyệt đẹp giữa mặt hồ như bức tranh thủy mặc, nhất là vào các buổi sáng sớm và hoàng hôn. Vào mùa mưa nước dâng cao, xanh thẳm mênh mông; đến mùa khô, mực nước hạ thấp để lộ những triền đá lấp lánh ánh vàng trong nắng sớm. Trên mặt hồ thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc thuyền đánh cá nhỏ của người dân địa phương và từng đàn chim vỗ cánh bay về đại ngàn xa thẳm. Vẻ đẹp bất tận của hồ Kẻ Gỗ đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ ngơi, cắm trại và chụp ảnh lưu niệm. Đến với nơi đây, du khách có thể thoải mái phóng tầm mắt giữa một vùng non xanh nước biếc, tận hưởng làn gió mát lành từ lòng hồ thổi đến. Cùng nhau leo núi hái quả sim, ăn hoặc ngâm rượu làm quà tặng. Du khách cũng có thể đi thuyền len lỏi qua các hòn đảo vào sâu hàng chục km nơi đầu nguồn để ngắm cảnh, tìm hiểu hệ động thực vật vùng lòng hồ, xem hoa phong lan nở, tắm và trải nghiệm thực tế đánh bắt cá thủ công trên các nhánh khe, suối, cắm trại trên đảo hoặc ven các bìa rừng, lắng nghe ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý giữa bốn bề non nước trùng điệp…

Đến với Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ, du khách còn được đi thuyền đến tham quan, thắp hương tưởng niệm tại miếu thờ các anh hùng liệt sỹ sân bay Li Bi - một sân bay dã chiến thời kháng chiến chống Mỹ, tham quan đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trên đảo Lê Duẩn.
 

 
Nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh đã lập Đồ án quy hoạch xây dựng Khu du lịch hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngành du lịch Hà Tĩnh đã và đang xúc tiến lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống các dịch vụ để xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình giải trí như: đua thuyền, lướt ván, leo núi, câu cá, cùng các khu thể thao tennis, cầu lông, bóng chuyền, xây dựng vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh.

Theo Đồ án, sẽ xây dựng các khu dịch vụ đầu mối cung cấp các dịch vụ, hàng hóa, vui chơi giải trí kết hợp phục vụ lưu trú khách du lịch; Các khu nghỉ dưỡng bố trí dọc theo các khu vực bờ Bắc của hồ Kẻ Gỗ với chức năng là khu vực phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng dạng các khu resort cao cấp; Khu du lịch cuối tuần bố trí phía Tây hồ Kẻ Gỗ phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch cuối tuần; Khu vui chơi giải trí đặc biệt nằm phía Đông hồ Kẻ Gỗ với các loại hình vui chơi giải trí đặc biệt kết hợp nghỉ dưỡng; Khu du lịch sinh thái tâm linh bố trí ở vùng đảo cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và khu vực lân cận gắn với du lịch sinh thái tâm linh; Khu công viên chuyên đề nằm phía Đông hồ Kẻ Gỗ tiếp giáp khu du lịch tâm linh; Khu cây xanh cảnh quan phát triển trên cơ sở rừng tự nhiên hai bờ hồ Kẻ Gỗ phục vụ du lịch sinh thái, tham quan, cắm trại...

Trong tương lai không xa, Khu du lịch hồ Kẻ Gỗ sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, qua đó góp phần tích cực phát triển sự nghiệp du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung.
 
Chỉ dẫn
* Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A đi về phía Nam 2km, rẽ phải theo biển chỉ dẫn và đi tiếp 17km là đến hồ Kẻ Gỗ.
* Liên hệ: 0239 3608 016
* Điểm du lịch lân cận: Từ hồ Kẻ Gỗ du khách tới thị trấn Cẩm Xuyên (15km), theo quốc lộ 1A 4km về hướng Nam, rẽ phải 3km theo biển chỉ dẫn là đến Khu di tích Hà Huy Tập hoặc theo tỉnh lộ 4 khoảng 13km để đến biển Thiên Cầm.

Tác giả bài viết: Trần Đức Cường. Ảnh: Tư liệu