Chùa Tượng Sơn – điểm du lịch văn hóa tâm linh

Chùa Tượng Sơn ở thôn Yên Hạ (làng Quát), xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng, nay là ở xã Sơn Giang (Hương Sơn - Hà Tĩnh) được biết đến là ngôi chùa thiêng gắn liền với tên tuổi của Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hằng năm, chùa đón hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tham quan.


Chùa Tượng Sơn. Ảnh: sưu tầm

Chùa Tượng Sơn có diện tích 1,5 héc ta, nằm cạnh con sông Ngàn Phố và khá tách biệt với khu dân cư, tạo nên vẻ u tịch và trang nghiêm. Phía sau chùa có dãy núi Voi nên chùa được đặt tên là “Tượng Sơn tự” (chùa Núi Voi). Phía tây, ngay bên chùa là khe suối bắt nguồn từ dãy Đại Huệ, băng qua gềnh đá, ngày đêm nước chẩy ầm ầm nên chùa còn có tên Nôm là chùa Ầm Ầm (có tài liệu ghi là chùa Hầm Hầm).

Chùa Tượng Sơn được xây dựng vào đời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ XVIII), do bà ngoại của Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là bà Đặng Phùng Hầu, vợ của Tả hiệu điểm Tham đốc Quận công Bùi Tướng Công lập ra. “Tục truyền rằng nguyên xưa bà Tham đốc (bà Đặng Phùng Hầu) làm cung phi, được vua yêu quý, song không có con nên bà buồn, mới xin vua lập chùa ở núi Tượng Sơn để quy y cửa Phật” [2; 38]. Điều này là hơi khó tin. “Nhưng cũng có thể sau khi xuất cung, bà mới làm vợ lẽ ông Tham đốc họ Bùi, và về Tình Diệm lập chùa (?). Bà Bùi Thị Thưởng, con gái ông Tham đốc, khi cao tuổi cũng về Tình Diệm sinh sống và tiếp quản ngôi chùa, rồi truyền lại cho con cháu nhà họ Lê” [1; 177]. Bà Bùi Thị Thưởng, hiệu Diệu Tuệ (có nơi chép Diệu Huệ) là con gái thứ của ông Tả hiệu điểm Đăng phùng hầu Bùi Diệm Đăng, vợ thứ nhất của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu (1675  -  ?), được tấn phong là Thận Nhân. Ông bà sinh Hữu Thức (đậu Tam trường), Hữu Ky (đậu Tam trường), Hữu Toản (Nho sinh trúng thức, làm đến Công phiên Thiêm tri), Hữu Chẩn huý Trác… Trong đó, Lê Hữu Trác là người con thứ 7 của bà Bùi Thị Thưởng.

Chùa được xây dựng dưới sự trực tiếp chỉ đạo của hai anh em Lê Hữu Trác và Lê Hữu Tán, với mục đích dưỡng tâm thờ Phật và thờ phụng tổ hai họ Bùi và Lê Hữu. Trong những năm 1760 - 1786, Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác đã dành phần lớn thời gian lưu lại chùa, mở phòng mạch chữa bệnh cho nhân dân và hoàn thành các tác phẩm như Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển), Y trung quan kiện, Y hải cầu nguyên, Thượng kinh ký sự, Vận khí bí điển và nhiều tác phẩm khác.
 
Chùa trước đây được làm bằng tranh, đến năm Tự Đức thứ 33 (1880) mới tu lý lại, làm thành chùa ngói. Kiến trúc ban đầu của chùa Tượng Sơn theo hình chữ Nhất. Quần thể chùa Tượng Sơn gồm có ba ngôi chùa: Chùa Thượng, chùa Hạ và nhà Tổ. Chùa Thượng chính điện thờ Phật Thích Ca, bên tả thờ ông bà Tham đốc Quận công (ông bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác) và bà Bùi Thị Thưởng (thân mẫu của danh y); bên hữu thờ tổ tiên họ Lê Hữu. Bên sát cạnh chùa Thượng là Nhà Tổ, thờ tượng Tổ Đạt Ma, lịch đại Tổ sư, trong chùa có nhiều pho tượng Phật được tạo hình dáng nghệ thuật đẹp với nhiều dáng vẻ độc đáo, nhất là pho tượng lớn Bồ Tát chuẩn đề 18 tay. Trước sân nhà tổ là cổng tò vò xây kiểu chồng diêm, tiếp theo bên phải nữa là ba gian nhà khách rộng rãi, phía sau là tăng xá phương trượng. Góc trái vườn chùa có bảy am mộ của các nhà sư trụ trì viên tịch tại đây. Chùa Hạ là một lầu chuông tám mái được chạm trổ tinh xảo theo kiểu hoa văn kiểu tứ linh, tầng trên treo chuông, tầng dưới làm nơi lễ bái.

Chùa được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính, nguyên gốc. Trong vườn nhà chùa có những cây vải, cây nhãn cổ thụ (do cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lấy giống ở Hưng Yên về trồng), tồn tại dưới 300 năm. Trải qua thời gian hàng trăm năm, chùa Tượng Sơn trở thành ngôi chùa cổ, rất thiêng, là nơi còn lưu giữ nhiều bức tượng cổ. “Từ ngày lập chùa (cuối thế kỷ XVIII) đến đầu thế kỷ XX, năm thứ 3 đời Bảo Đại (1928), có 7 nhà sư trụ trì, có công lao tôn tạo chùa, đều người họ Lê. Đó là các Thiền sư Diệu Thông, Phổ Quang, Phổ Minh, Tâm Đắc, Quảng Vận, Nhuận Du và Lê Hữu Cát”. Hai vị có nhiều công hơn cả là Thích Phổ Quang và Thích Quảng Vận.

Thích Phổ Quảng, thế danh Lê Hữu Đan, là cháu gọi danh y Lê Hữu Trác bằng ông chú. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) vào tháng Bảy, triều đình mở khoa sát hạch về tam giáo, có 174 nhà sư trong cả nước tham dự; 44 vị được lấy đỗ. Sư Phổ Quang đứng thứ 7, được ban yến tại chùa Linh Mụ. Trở về, ông đã cho làm lại chùa Thượng, dựng gác chuông tám mái, đúc quả đại hồng chung, trên mặt có khắc bài ký và dòng chữ “Tượng Sơn tự chung”.

Thích Quảng Vận, thế danh Lê Khả Cơ, là người đứng ra trùng tu chùa Thượng, xây nhà Tổ, nhà khách… vào năm Tự Đức 23 (1870). Ông lại đặt bể cạn, trồng cây cảnh, đặc biệt đã cho trồng một vườn cây ăn quả rộng tới 1 mẫu, có đủ loại cam, bưởi, vải, nhãn, mít, xoài, hồng, na, chuối, trầu cau…

Tại chùa Tượng Sơn, ngoài các lễ lớn như Đại lễ phật đản, Vu Lan báo hiếu, hằng năm còn có lễ hội cầu yên cho dân xóm Chùa (xóm Vĩnh Tuy) của làng Quát và con cháu họ Lê Hữu vào ngày Thượng nguyên, rằm tháng Giêng và lễ hội Quan Âm vào ngày 19 tháng Hai âm lịch (ngày vía đức Bồ Tát Quan Thế Âm); đặc biệt nghi lễ tri ân đối với những đóng góp lớn lao của Danh y Lê Hữu Trác cho nền y học cổ truyền nước nhà. Các hoạt động này thu hút nhiều phật tử và người dân tham gia.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, năm 1994, Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận chùa Tượng Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2010, Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đầu tư tôn tạo chùa Tượng Sơn, đến năm 2013 hoàn thành.

Chùa Tượng Sơn nằm trong Quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là một trong những ngôi chùa cổ đẹp và linh thiêng, với kiến trúc nghệ thuật được bố trí đăng đối hài hòa và độc đáo, trở thành điểm thu hút khách thập phương đến tham quan du lịch trong những ngày đầu xuân năm mới trên hành trình về với mảnh đất Hương Sơn.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Thái Kim Đỉnh (2017), Chùa cổ Hà Tĩnh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nghệ An.
2. Trần Kính (Đốc học) (1939), Địa dư tỉnh Hà Tĩnh, Hà Nội.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nga