Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ, Quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế

Mai Hắc Đế, tên tự là Mai Thúc Loan, sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII, tại làng Mai Lâm - làng cổ xưa nhất của đất Hoan Châu, nay là Thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã phải theo mẹ rời quê lên sống ở làng Ngọc Trừng, Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An), vất vả kiếm sống bằng nhiều nghề. Lớn lên, ông nổi tiếng khắp vùng bởi trí thông minh, sức khỏe phi thường và giỏi đấu vật.
Mùa thu hoạch vải năm 712, Mai Thúc Loan được cử đi phụ giúp việc gánh vải sang cống nộp triều đình Tràng An. Trên đường đi, bất bình trước cảnh quan quân nhà Đường đánh đập dân phu gánh vải, ông đã tổ chức, kêu gọi mọi người chống lại bọn lính áp tải, sau đó tập hợp những anh em thân tín tập kết tại thung lũng núi Hùng Sơn (Nam Đàn), bàn kế hoạch tổ chức lực lượng, sắm sửa vũ khí đồng thời phái người đi khắp các vùng kêu gọi nhân dân cùng tham gia.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng căn cứ địa, thuận theo lòng quân dân, tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan xưng Đế và đóng đô ở thành Vạn An. Năm 714, sau khi đuổi bọn thái thú nhà Đường cùng đám thuộc hạ khỏi bờ cõi, đất nước được giải phóng, vua Mai cũng đã ban lệnh xoá bỏ những thứ thuế do chính quyền đô hộ áp đặt từ bấy lâu.
Năm 722, Đường Minh Hoàng huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc thống lĩnh sang đàn áp, hòng tái chiếm nước ta. Dưới sự chỉ huy của Mai Hắc Đế và các tướng lĩnh, hai đạo quân thủy bộ đã chiến đấu anh dũng với quyết tâm bảo vệ bằng được thành Tống Bình và Vạn An. Nhưng trước thế giặc quá mạnh, cả hai thành đều thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, một thời gian sau, ông lâm bệnh rồi mất.
 

Đền thờ Mai Hắc Đế
Năm 722, sau khi Mai Hắc Đế mất, để tưởng nhớ công ơn của Ông cùng các tướng sỹ, nhân dân nhiều nơi trong nước đã lập đền thờ phụng, trong đó có Đền thờ Mai Hắc Đế tại quê nhà, nay là thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi đền đã xuống cấp. Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Hà tiến hành trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ mới dừng lại ở việc trùng tu đơn giản.

Ngày 05/02/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án tôn tạo, tu bổ, xây dựng Đền thờ, Tượng đài và Quảng trường Vua Mai Hắc Đế tại Quyết định số 404/QĐ-UBND và được sự phát tâm giúp đỡ của Quỹ thiện tâm - Tập đoàn Vingroup, công trình chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 19/02/2016. Đến nay, công trình Đền thờ Mai Hắc Đế đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân gần xa. Đền thờ Mai Hắc Đế tại Thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà được xây dựng trên vùng đất thiêng đắc địa, ngay chính quê mẹ, nơi ông sinh ra.

Đền tọa lạc trên một khu đất cao, rộng với tổng diện tích 6.597m2, trong đó diện tích xây dựng gần 1.000m2, với các hạng mục chính: Nghi môn theo dạng tứ trụ; Tả, hữu vu hình chữ nhật, 3 gian 2 chái, nền lát gạch bát 300 x 300, khung cột, vì kèo gỗ, mái lợp ngói mũi hài, xây thu hút bít đốc. Khu đền chính với Tiền bái hình chữ nhật, ba gian để trống, nền lát gạch bát, tam cấp đá vỉa bó xanh, diện tích 54m2, chiều cao đỉnh mái 4,44m. Đền chính hình chữ công, thu hồi bít đốc, phía trước là 2 trụ biểu, nền lát gạch bát, bó vỉa đá xanh, tường xây gạch bát mặt ngoài để trần; 04 hàng chân cột gỗ chân tảng đá xanh, với diện tích 225m2, bên trong đền được gắn bảy bức hoành phi với nội dung: “Quê tổ linh thiêng”, “Lừng lẫy uy linh”, “Đức trạch trường tồn”, “Công tích vĩ đại’, “Non song muôn thuở”, “Võ công đại định”, “Chí Trung Đại nghĩa” và bảy bức câu đối do Giáo sư Phan Huy Lê và nhóm tác giả biên tập. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như: Lầu hóa vàng, Nhà thủ từ, Cổng phụ, Nhà truyền thống, Nhà ban quản lý, Khu dịch vụ…

Cách đền Vua Mai chừng 300m có giếng cổ nước trong vắt, chưa khi nào cạn, phía trước đền là hai cây đa cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi.
 


Phối cảnh Tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế

Tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế
Song song với quá trình triển khai xây dựng Đền thờ tại thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, công trình Tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế cũng được gấp rút triển khai thực hiện tại Khu du lịch biển Cửa Sót, trên diện tích 4,58ha, với tổng mức đầu tư trên 43 tỷ đồng. Tượng đài Mai Hắc Đế, được đúc bằng Đồng (của Nhóm tác giả Nguyễn Kim Xuân) liền khối cao 6,8m, phía trước tượng đài có bài trí lư hương bằng đồng. Khối tượng nằm trên đế bệ hình vuông, kích thước 23,45 x 23,45m; cao 1,35m chia làm 9 bậc. Khối đế bệ vuông lát đá xanh tự nhiên đặt trên khu bậc cấp gồm 8 bậc cao 1,2m so với sân quảng trường, tạo thành bậc cấp và hình bồn hoa ôm lấy bệ chân tượng đài. Phần đế tượng cao 4m so với sân quảng trường.

Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Đền thờ, Quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế không chỉ thể hiện sự tri ân, tôn vinh đối với Vua Mai, một người con của quê hương Lộc Hà mà thực sự đã trở thành một chuỗi công trình mang giá trị ý nghĩa văn hóa - lịch sử hết sức to lớn trong hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn không những thu hút khách du lịch mà còn là điểm đến giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.



Tác giả bài viết: Phan Anh Tuấn