Bún bò Đò Trai - Thương hiệu một vùng quê

Chẳng biết tự bao giờ, vị ngon thơm phức của Bún bò Đức Thọ - Hà Tĩnh đã làm nên thương hiệu, là món ăn dân dã quen thuộc, dường như không thể thiếu trong khẩu vị ẩm thực của bao người con xứ Nghệ.
Ảnh: Sưu tầm
Hành trình từ Bắc vào Nam, ta được thưởng thức hương vị khác biệt trong từng loại bún: bún thang, bún ốc, bún riêu cua, bún đậu mắm tôm… ở đất Hà thành; thưởng thức vị cay nồng của sả, ớt trong tô bún bò giò heo, bún thịt nướng, bún mắm nêm của đất cố đô; lạ miệng trong từng tô bún mắm, bún cá, bún suông… của người miền Nam; và vị ngon thơm phức trong tô bún bò của vùng Đức Thọ - Hà Tĩnh. Tất cả làm nên sự trải nghiệm vô cùng thú vị cho người thưởng thức ẩm thực.

Cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh 50km về phía Tây Bắc, đến với Đức Thọ, ngoài sự đa dạng, phong phú của các làng nghề truyền thống ở địa phương như: nghề mộc, nghề đóng thuyền, nghề gốm, nghề làm nón, nghề cào hến… nơi đây còn nổi tiếng bởi nghề làm bún. Cũng giống như các loại bún khác là được làm ra từ gạo, được ngâm ủ rồi qua các công đoạn như xay nhuyễn gạo cùng với nước tạo thành bột gạo dẻo, nhão sau đó bột được ủ, chắt bỏ nước chua rồi đưa lên bàn ép, xắt thành quả bột, tiếp tục nhào trộn quả bột trong nước sạch thành dung dịch lỏng, lọc sạch sạn để thành tinh bột gạo rồi cho vào khuôn bún, vắt bún, nén bột qua các lỗ khuôn mà nên thành phẩm; song bún ở Đức Thọ lại có nét riêng đặc trưng. Không như các loại bún trên thị trường thường được chế biến qua máy móc hiện đại, bún ở Đức Thọ vẫn giữ nguyên chất truyền thống làm bằng thủ công, được làm bằng tay vì thế sợi bún to tròn và có màu nâu nhạt, vì không qua công đoạn xử lý làm trắng màu bún. Để làm được loại bún này, người làm bún phải dùng loại gạo quê Đức Thọ, gạo này được ngâm ủ đến 5 ngày, và phải biết chọn thời điểm vớt gạo ra để ủ tạo men thì bún mới ngon và có màu đẹp như màu hoa cau, thế mới là thành công. Có lẽ, với những ai chưa biết, cho màu bún như thế không được đẹp mắt, nhưng biết đâu rằng ngoài vị dẻo ngon đó chính là nét riêng khác làm nên thương hiệu của loại bún này.

Bún Đức Thọ có thể dùng ăn kèm với các loại thịt, cá, rau sống khác nhau… nhưng để lại dấu ấn cho thực khách thì phải kể đến món bún bò.

Để có một tô bún bò ngon, ngoài bún được làm từ gạo quê Đức Thọ, thịt bò cũng phải là thịt của con bò được chăn thả vùng ven đê ở làng quê Đức Thọ, như thế thịt sẽ mềm, ngọt. Nước dùng được hầm từ xương ống, đuôi bò. Trong quá trình chế biến nước dùng, người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, xương phải rửa thật sạch cho đến khi hết máu còn dính lại, thường xuyên gạn bỏ bọt trên nồi nước hầm xương để màu nước dùng luôn được trong; thịt bò được thái hơi dày sẽ mềm và ngọt hơn khi ăn. Hành lá, lá mùi tàu, nước mắm ớt, tỏi dầm, tiêu, thêm một múi chanh sẽ là những gia vị ăn kèm cho một tô bún bò hoàn hảo. Để rồi những ai đã một lần thưởng thức phải nhớ mãi!

Nếu có dịp ghé thăm Hà Tĩnh, bạn có thể tìm đến một số địa chỉ đáng tin cậy như quán bún bò Đò Trai (hay quán Bà Kế) ở Đức Thịnh, Đức Thọ - đây là một trong những quán bún bò nổi tiếng nhất ở Hà Tĩnh; quán ăn Nga Toàn, quán ăn Toàn Bình (thị trấn Đức Thọ - Đức Thọ); khách sạn Bình Minh, khách sạn Tân Giang (thành phố Hà Tĩnh)... để được thưởng thức trọn vẹn hương vị của loại bún này.

Bún bò Đức Thọ giờ đây không còn xa lạ với người dân vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, thương hiệu của nó còn được lan rộng trên thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn trên cả nước./.

Tác giả bài viết: Tú Quỳnh