Chùa cổ Kim Dung

Đăng lúc: Thứ năm - 26/04/2018 13:20 - Người đăng bài viết: quynhtrang
Cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh chừng 15km về phía Đông Bắc có một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng tọa lạc lưng chừng núi Bằng Sơn thuộc xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà đó là chùa Kim Dung.
Ảnh: ST

Ảnh: ST

“Kim Dung chùa cổ tình non nước,
Sót Hải đền xưa nghĩa đá vàng.”
Chùa Kim Dung được xây dựng vào thời nhà Trần, gần chùa còn nhiều dấu vết Trang Vương và một số cấu trúc của thời Trần - Lê. Thời Trần, Hưng Đạo Vương kinh lý phía Nam, khi đi qua vùng này, thấy cảnh đẹp dừng chân nghỉ lại, sau này nhân dân lập miếu thờ ngài ngay cạnh chùa Kim Dung, trong miếu có câu là Trung Nghĩa Quân.

Chùa nằm ngang lưng chừng núi, ngoảnh mặt hướng Tây Nam là hướng tĩnh tâm của Phật thiền định, thế đất rồng chầu, hổ phục, là vùng đất thiêng, vừa đẹp vừa yên bình. Từ chùa nhìn ra hướng Bắc là dãy núi Hồng Lĩnh điệp trùng, nhìn về hướng Nam là dãy núi Nam Giới như con rồng giữa biển khơi, nhìn về hướng Đông là Vịnh Bắc bộ, nhìn về hướng Tây là làng mạc, dân cư, ruộng đồng trù phú. Trước cảnh chùa là Trung tâm huyện lỵ Lộc Hà, sau lưng chùa là Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót. Hai bên chùa là hai khe suối, dưới chân chùa có hồ sen. Bên trái chùa có tượng Phật Bà Quan Âm cao 18m sừng sững giữa trời mây. Đứng từ xa nhìn lên chùa như viên ngọc tỏa sáng giữa núi rừng xanh ngát.

Dãy núi Bằng Sơn - nơi ngôi chùa tọa lạc là vị trí táng mộ tổ Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh. Nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, là địa bàn hoạt động của nhiều chiến sỹ yêu nước. Trước khi chưa có Đảng lãnh đạo, tại núi Bằng Sơn đã có nhiều nghĩa quân yêu nước tập hợp tại đây, điển hình như cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất 1874, phong trào Văn Thân 1883, phong trào chống thuế 1908, phong trào Cần Vương chống Pháp của cụ Phan Đình Phùng vào cuối Thế kỷ XIX… Với tinh thần cách mạng, nhiều xã ở 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà (nay thuộc huyện Lộc Hà) đã nổi dậy chống thực dân Pháp và nam triều phong kiến, nhiều sỹ phu yêu nước đã tập trung các lực lượng đầu quân tiêu biểu như Nguyễn Huy Điếm, Nguyễn Hữu Thuận.

Ngày 11/02/1930 và ngày 03/3/1931, tại chân núi Bằng Sơn chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ với quy mô rộng lớn. Nhân dân chủ động, người dùng gươm, người dùng giáo, người dùng gậy tập hợp tại đây rồi kéo vào trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh đấu tranh chống thực dân Pháp. Chùa Kim Dung cũng chính là nơi hội họp của Đảng ta vào những ngày đầu khó khăn, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thạch Bằng. Quần thể di tích núi Bằng Sơn - chùa Kim Dung không chỉ là di tích lịch sử danh thắng mà còn là biểu tượng cách mạng oai hùng, là niềm tự hào của nhân dân xã Thạch Bằng nói riêng và cả vùng đất duyên hải Miền Trung.

Khí hậu nơi đây thật lý tưởng bởi một bên là núi cao, một bên là biển rộng, 4 mùa hương hoa đua nở khoe sắc như chốn bồng lai tiên cảnh. Đây là một danh thắng kỳ thú gắn liền với yếu tố tâm linh ngàn đời, được du khách thập phương sùng kính ngưỡng vọng về đây chiêm bái, cầu nguyện.
 

Ảnh: ST

Lễ hội chùa Kim Dung diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần tế lễ tại chùa gồm có lễ rước kiệu rồng từ chùa Xuân Đài lên, thỉnh chuông, cung nghinh hòa thượng cầu quốc thái, dân an. Phần hội gồm nhiều hoạt động văn hoá phong phú ở khu vực dưới chân núi như: Kéo co, chọi gà, cờ thẻ, tôm trống, cắm trại, bóng chuyền… Lễ hội không chỉ mang tính tâm linh, tín ngưỡng mà còn mang tính giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu luôn hướng về cội nguồn.

Tác giả bài viết: Thùy Mỹ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Phan Lan Hoa - Đăng lúc: 10/11/2022 22:59
Viết bài giới thiệu điểm đến du lịch, thì hình ảnh phải chủ yếu chứ mỗi bài chỉ được một cái ảnh không trọng tâm. Chùa thì chụp mỗi cái cổng, thu hút khách thế nào?

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 551
  • Tổng lượt truy cập: 30401920