Nón Ba Giang

Đăng lúc: Thứ tư - 07/09/2016 08:07 - Người đăng bài viết: lehoa
Nhắc đến Phù Việt (nay là Thạch Việt - Thạch Hà - Hà Tĩnh) người ta không chỉ nhớ đến một “địa chỉ đỏ” trong phong trào Xô Viết mà còn biết đến bởi nơi đây có một làng nghề nổi tiếng một thời - nghề làm nón Ba Giang.
Ảnh: Phạm Minh Đức

Ảnh: Phạm Minh Đức

Nón lá không biết ra đời từ bao giờ nhưng lại là một vật dụng rất đỗi thân thuộc đối với những người dân Việt. Nón che nắng che mưa cho những người nông dân khi họ ra đồng, nón là vật làm duyên cho những người con gái, nón theo chân bao thiếu nữ về nhà chồng... Ở mảnh đất mà thiên nhiên vốn không dành nhiều “ưu đãi”, người dân Phù Việt chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, để phục vụ cho cuộc sống và tăng thêm thu nhập, họ tranh thủ lúc nông nhàn để làm nón. Không có khuôn, người khâu dùng hai lá cọ non, ở giữa lót một lớp vỏ măng tre, lật ngược, tựa vào hai bắp đùi mà uốn lá theo hình chóp. Nón được định hình dần nhờ lớp xương bằng sợi giang nhỏ (chừng một ly) uốn xoáy trôn ốc, vừa uốn vừa khâu, liền kề nhau từ trong ra. Khi đạt độ lớn cần thiết mới khâu vành cái (to bằng ngón tay trỏ người lớn) rồi cắt phần lá dư và viền lại bằng sợi vọt. Đến những năm 20 của thế kỷ trước, khi giao thương giữa các vùng dễ dàng hơn, nón Ba Giang không được người ta ưa dùng nhiều bởi nón Kinh (nón Huế) ưu thế hơn về độ mềm mại, đẹp. Lúc bấy giờ, chi bộ Tân Việt cách mạng đảng một tổ chức tiền thân của những người cộng sản ở Trung Kỳ - đã kịp thời có chủ trương “nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh”. Cùng với việc vận động mở các phường lợp nhà, dệt chiếu... (phường nghề) đảng Tân Việt cử người vào Thổ Ngoạ (Quảng Bình) học nghề làm nón Kinh. Nhờ “đổi mới công nghệ” nên nghề nón cổ truyền lại được phục hồi. Cùng với sự chắc chắn của kĩ thuật làm nón cũ, người dân Phù Việt đã biết kết hợp để làm nên những chiếc nón vừa bền chắc vừa đẹp. Bấy giờ làm nón cũng đơn giản hơn vì nón đã có sẵn khuôn. Khuôn là những mảnh tre cật già có cắt khấc để đặt vành. Lá lợp lấy từ cây lá nón – một loại cây bụi trên rừng. Lá già làm lớp lót, lá non là hai lớp trong ngoài, nón khâu bằng chỉ móc, chỉ tơ, sợi cước... Nón đẹp cần vật liệu tốt, tre phải dao lóng (lóng dài), mắt tre, nứa phải chìm không dô ra, lá nón vừa chín khi phơi nắng xong phải trắng nõn, mịn màng...Vì thế để làm nên nón đẹp người chằm nón phải lựa chọn vật liệu như “tuyển lính”. Để tô điểm cho chiếc nón thêm phần thanh mảnh, duyên dáng các o, các chị cài thêm hoa giấy, những sợi chỉ đỏ xanh vào trong nón. Không phải ai cũng làm được nón đẹp mà phải từ bàn tay của những cô gái khéo léo hoặc là các cao niên có tính tỷ mỉ chu đáo. Nón sưa, nón con thì làm đơn giản hơn tuyển chọn vật liệu không cầu kỳ mà thường làm bằng vật liệu hạng hai, lá cằn hơn, móc đen... Loại nón này nhiều người làm được và được ưa dùng dễ tiêu thụ hơn vì nó phục vụ cho đa số những người nông dân vốn quanh năm lam lũ, cần những chiếc nón bền chắc, giá rẻ...

Nghề làm nón vận dụng được sức lao động của nhiều người từ em bé chín, mười tuổi đến cụ già tám mươi, mỗi người tham gia vào một khâu trong quy trình làm nón từ chuốt tre đến nhặt măng, là lá, phơi lá... nên nhiều thôn trong xã như Bùi Xá, Hoà Bình, Thống Nhất... đều làm. Cứ chiều chiều trên những con đường vào các thôn các o, các chị ngồi làm nón. Những chiếc nón còn dở dang hay vừa xong trắng muốt bên những cánh đồng vàng óng của ngày mùa tạo nên bức tranh thôn quê thật đẹp. Nón Ba Giang một thời bán rất chạy tiêu thụ ra cả những tỉnh lận cận như Vinh, Hà Nội, Quảng Bình... Có khi khách đặt hàng nhiều các chị, các o phải thức làm đêm cho kịp buổi chợ sớm mai. Có thể nói cùng với cây đa, bến nước, sân đình ở xã Phù Việt xưa, nghề làm nón đã góp phần tạo nên không gian văn hoá cho làng quê nơi đây. Và có lẽ chính bởi gắn bó với những ngả đường vào xã mà chiếc nón nơi đây được gọi bằng tên gọi thân thương, nón Ba Giang - tên của ngã ba đi qua xã.

Cuộc sống dần có nhiều đổi thay, nhiều vật dụng che nắng che mưa ra đời, nghề làm nón ở Ba Giang cũng đi vào quá vãng. Giờ đây, về thăm Phù Việt vào những ngày nông nhàn, người ta không còn thấy cảnh làm nón rộn ràng như xưa nữa. Còn chăng dăm ba gia đình có những người già lớp trước, họ làm nón vì tiếc “nghề xưa”.

Làng nghề này một thời là làng nghề sản xuất, vừa tạo thêm công việc, thu nhập cho người nông dân lúc nông nhàn vừa là làng nghề đặc trưng cho miền quê Hà Tĩnh. Cuộc sống dù phát triển đến mấy thì chiếc nón lá đơn sơ, bình dị và thơ mộng vẫn hiện hữu trong cuộc sống ở nông thôn Việt Nam và nó vẫn là một vật tạo nên Hồn quê cho xứ Việt. Nên chăng cần khôi phục nghề làm nón Ba Giang ở Phù Việt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và du lịch làng nghề, chiếc nón Ba Giang còn có thể là sản phẩm lưu niệm có mặt ở các địa điểm du lịch của Hà Tĩnh như Thiên Cầm, di tích Ngã ba Đồng Lộc... tạo thành một hình ảnh quảng bá cho quê hương Hà Tĩnh.
 
Tác giả bài viết: Ái Vân
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 521
  • Tổng lượt truy cập: 31373467