Làm gì để du lịch Hà Tĩnh “cất cánh”?

Đăng lúc: Thứ năm - 09/11/2017 08:07 - Người đăng bài viết: lehoa
Xu hướng đi du lịch hiện nay cơ bản là tham quan thắng cảnh, trải nghiệm văn hóa bản địa, sức khỏe nghỉ dưỡng biển. Hà Tĩnh vốn có những tiềm năng về các loại hình này, do đó, cần những giải pháp từ công tác quy hoạch đến thu hút đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch trọng điểm, thu hút du khách.
Khu du lịch sinh thái Sơn Kim

Khu du lịch sinh thái Sơn Kim

Bền vững từ quy hoạch

Với tư cách là người quan sát, người con quê hương, ông Nguyễn Đức Thọ - Giám đốc Công ty Du lịch An Tín TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Đã đến lúc Hà Tĩnh cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, định vị chiến lược phát triển không gian du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, lựa chọn địa chỉ đầu tư xây dựng du lịch trọng điểm, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm tạo sức hấp dẫn, níu chân du khách và tăng thời gian lưu trú tour”. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng cũng cho rằng: Để phát triển du lịch, trước hết phải thay đổi nhận thức trong công tác quy hoạch, kèm theo những chính sách hỗ trợ, hấp dẫn nhà đầu tư.

lam gi de du lich ha tinh cat canh

Biểu diễn đua ngựa tại Khu du lịch Xuân Thành, Nghi Xuân (tháng 4/2017).

Điều đáng nói là hiện nay, nhiều địa chỉ nổi tiếng trên địa bàn tỉnh hoặc chưa được quy hoạch hoặc đã quy hoạch nhưng cần rà soát. Do đó, việc quan trọng thời gian tới, theo ngành du lịch, là rà soát, bổ sung và xây dựng quy hoạch khai thác du lịch biển Thiên Cầm; Khu du lịch sinh thái nước sốt Sơn Kim, hồ Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi (Vũ Quang); Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc; du lịch tâm linh chùa Hương, đền Củi, đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu… Đặc biệt, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch hồ Kẻ Gỗ đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch năm 2012, phân cấp quản lý rõ ràng, không để xảy ra tình trạng chồng chéo. Hiện nay, không gian hồ Kẻ Gỗ đang liên quan đến quyền lợi, công tác quản lý của huyện Cẩm Xuyên, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Công ty cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh.

Tập trung thu hút đầu tư

Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập chia sẻ: “Thời gian qua, ngành VH-TT&DL đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng trọng điểm. Ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh tổ chức một số cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã quan tâm đến Hà Tĩnh. Nhiều dự án lớn như Khu du lịch Vinpearl Cửa Sót, Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, trường đua chó giải trí Xuân Thành… được đầu tư với tổng nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Hiện nay, ngành đang tham mưu tỉnh xây dựng đề án “Phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng chiến lược 2030”.
 

lam gi de du lich ha tinh cat canh

Khu du lịch nước sốt Sơn Kim cần rất nhiều nguồn lực đầu tư để khai thác tiềm năng sẵn có.

Theo thông tin từ ngành du lịch, hiện Hà Tĩnh đã có nhiều nhà đầu tư lớn vào tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các dự án của Tập đoàn FLC đầu tư khu nghỉ dưỡng bãi tắm phía Bắc Thiên Cầm có tổng nguồn vốn hơn 5.000 tỷ đồng đang được khởi động; dự án khảo sát đầu tư Khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ của Tập đoàn Sangrop dự kiến 5.000 tỷ đồng và dự án đầu tư Khu du lịch thác Vũ Môn của Tập đoàn Vingroup có tổng nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng đang trên đà được xây dựng.

Tại huyện Nghi Xuân, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Việt Hùng: “Khu vực bãi tắm Xuân Thành hiện có 2 nhà đầu tư đã đăng ký xây dựng 2 nhà nghỉ dưỡng cao cấp và 80 nhà hàng kinh doanh; Công ty CP Song Ngư Sơn Giang Đình đang tiến hành các bước để đầu tư bến Giang Đình gắn với du lịch trên sông và tên tuổi Nguyễn Nghiễm, kết nối các địa chỉ văn hóa - tâm linh. Đặc biệt, trên “ốc đảo” Hồng Lam, Tập đoàn T&T đã được chấp thuận đầu tư các dịch vụ du lịch, giải trí với tổng nguồn vốn lên tới 2,2 tỷ USD. Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm gắn với NTM”.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo nghề du lịch Việt Nam, muốn thu hút đầu tư, tạo ra được sản phẩm du lịch trọng điểm, phải kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và sự đồng hành của người dân, kết hợp với chính sách thông thoáng. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra cơ sở hạ tầng và quản lý, doanh nghiệp và người dân tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ phong phú, thỏa mãn nhu cầu du khách”. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng chia sẻ: Ngành sẽ tham mưu tỉnh sửa đổi, ban hành một số chính sách mới góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp…


Nguồn tin: baohatinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 500
  • Tổng lượt truy cập: 31411951