La Giang - Tùng Lĩnh điểm du lịch tiềm năng

Đăng lúc: Thứ tư - 25/09/2019 15:18 - Người đăng bài viết: lehoa
Hai dòng sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố hợp dòng tại ngã ba Tam Soa đã tạo nên điểm hội tụ thắng cảnh bậc nhất của vùng đất La Giang. Ngay sát ngã ba sông về phía bờ Nam có một bãi nổi trên có một tảng đá lớn, bằng phẳng, xưa kia các bậc tao nhân mạc khách thường tới đây ngắm cảnh, ngâm thơ nên gọi là “Thạch bàn” hay “thi đàn”.

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: Minh Chiến
 
“Sóng đến non Tùng bàn đá trải
Giang sơn muôn thủa với đàn thơ.”
 
Từ ngã ba Tam Soa sông chảy theo hướng Đông nam qua cầu chợ Thượng, sau đó uốn dòng lên hướng Bắc hòa vào sông Lam ở ngã ba núi Thành (Ngã ba Phủ), đổ về cửa Hội ra biển Đông, đoạn sông này gọi là Sông La. Sông La có chiều dài khoảng 15km, nước trong xanh, là một trong những phong cảnh đẹp nhất ở Hà Tĩnh. Sông La đã đi vào huyền thoại lịch sử “bóng những bậc anh hùng còn vang vọng nước sông La” là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, nhạc họa của biết bao thế hệ văn nhân tài tử. Ở bờ bắc Tam Soa là núi Việt (núi Cổ Xôi), nằm tách với dãy Thiên Nhẫn soi mình bên bến Tam Soa. Đối diện với núi Việt là núi Tùng (Tùng Lĩnh), đây là ngọn núi đầu tiên của dãy Trà Sơn, kéo dài vào tận vào Can Lộc, Hương Khê. Núi Tùng Lĩnh hay còn gọi là rú thông có hình dáng tròn trịa, với màu xanh ngắt hòa lẫn cùng màu của đất trời, sông nước. Trên núi có ngôi đền thờ vị tướng nghĩa quân Lam Sơn là Đinh Lễ, còn gọi là đền Linh Cảm Đại vương. Tương truyền thực dân Pháp đã dựng đồn doanh trại trên nền ngôi đền cũ thờ ông. Dưới mé nước có tảng đá lớn, bằng phẳng, đêm về tiếng gió của rừng thông vi vu hòa cùng tiếng sóng nước nhẹ nhàng đập vào vách đá tạo nên một không gian kỳ ảo và âm thanh cuốn hút lòng người.

Trong khoảng không gian hẹp dọc bờ sông La là những làng mạc trù phù có lịch sử hàng nghìn năm và từ những xóm làng này đã để lại nhiều di tích lịch sử gắn liền với các danh nhân kiệt xuất làm rạng danh non nước sông La - núi Tùng. Đó là những danh nhân, những bậc danh thần lương tướng như: Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Trần Phú…

Đến với La Giang - Tùng Lĩnh, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh non nước hữu tình mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc qua các lễ hội tiêu biểu và các làng nghề truyền thống như: hội làng Trường Xuân có diễn tích cướp A đẩu trên sông La, hội làng Trung Lương, làng nghề cào hến, làng mộc Thái Yên... và lắng nghe tiếng hò, tiếng ví trên sông La vẫn được bảo tồn và phát huy có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. La Giang - Tùng Lĩnh từ nghìn xưa đến mai sau vẫn luôn là biểu tượng đẹp của đất La Sơn.

Tác giả bài viết: Võ Đình Thi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Ti đọc nhiều















  • Đang truy cập: 516
  • Tổng lượt truy cập: 34926820